Ngày 14 tháng 5
THÁNH MATHIA TÔNG ĐỒ
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.
Tài liệu duy nhất đáng kể về thánh Matthia là tường thuật của sách Công vụ các tông đồ (Cv 1, 15-26). Theo điều kiện mà thánh Phêrô đưa ra để chọn người thế chân cho Giuđa trong nhóm 12. Chúng ta biết thánh Matthia là một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài đã theo Chúa Giêsu “Khởi từ lúc Gioan thanh tẩy cho đến ngày Chúa Giêsu về trời” (c. 22)
Khi Chúa Giêsu đã về trời, các tông đồ vâng lệnh Chúa trở về Giêrusalem cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần đến. Họ gặp nhau lại khoảng 120 người. Lúc ấy Phêrô lên tiếng nhắc lại sự Giuda phản bội và kết luận:
– “Phải chọn lấy thêm một người để cùng chúng tôi làm chứng tá cho sự sống lại của Chúa Giêsu”.
Cộng đoàn đã đề cử hai người xem ra xứng đáng nhất, với vinh dự này là Giuse, gọi là Barsabba biệt danh là Giustô và Matthia. Thế rồi họ cầu nguyện và bắt thăm chọn người Chúa muốn. Matthia đã trúng cử và nhập vào nhóm 12.
Vị tân tông đồ, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, đã ra đi rao giảng Phúc âm và hiến phần còn lại cho việc tông đồ, thánh Clêmentê, thánh Alexandria kể lại rằng: các giáo huấn của thánh Matthia tập chú vào nhu cầu phải hy sinh hãm dẹp xác thịt và những ước muốn lăng loàn. Đó là bài học quan trọng Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu và đem ra thực hành.
Nhiều sứ giả cho rằng thánh Matthia đi từ Giuđêa tới tận Ethiopia rao giảng và làm cho vô số người trở lại đạo. Sau ba mươi năm bị bách hại, nỗ lực và thành công, Ngài bị ném đá và bị chặt đầu dưới thời Nerô vào năm 63.
Theo dân Hy lạp, thánh Matthia đã mang Kitô giáo đến miền Cappadôcia rồi bị đóng đinh vào thập giá ở Colergis. Và xác Ngài được đưa về Giêrusalem. Một phần các xương thánh vẫn còn ở đền thờ Đức Bà cả nơi thánh nhân đã làm nhiều phép lạ.
II.BÀI HỌC
Cuộc đời của Thánh Matthia Tông Đồ minh họa cho lời khẳng định của Chúa Giêsu: ”Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16).
Chúa có một chương trình thật đặc biệt, một cách chọn gọi rất riêng để trao phó sứ mạng cao cả cho từng Tông Đồ và cho Thánh Matthia. Đáp lại, Thánh nhân đã dùng chính cuộc đời mình để đáp trả tiếng gọi yêu thương của Chúa.
Mừng lễ thánh Matthia Tông Đồ, mỗi người được nhắc nhớ đến ơn gọi làm tông đồ và làm Kitô hữu của mình. Quả vậy, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái Chúa với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mỗi ngày, ta được Chúa mời gọi trở nên tông đồ của Người trong môi trường đang sống, trong vai trò và bậc sống của mình. Chúng ta chỉ có thể đáp trả ơn gọi của mình khi biết dùng Lời Chúa dệt nên cuộc đời mình mỗi ngày. Hãy sinh hoa kết trái trong bậc sống và hoàn cảnh của mình. Hãy làm sáng danh Chúa trong gia đình, ngoài xã hội, nơi công sở, trên ruộng nương. Hãy làm chứng cho Tin Mừng bằng chính niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.
Tác giả Đường Hy Vọng đã có những chia sẻ rất hay về vấn đề này:
– Con hãy hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những khó khăn nội bộ, ngay trong việc tông đồ. Như thánh Phaolô: “Kẻ thì rao Đức Kitô vì lòng mến, bởi biết rằng tôi đã được chỉ định lo bênh đỡ Tin mừng. Kẻ lại giảng truyền Đức Kitô vì ganh tị, ý định không tinh tuyền, tưởng làm vậy sẽ gây thêm khổ cực cho cảnh lao tù của tôi. Cần chi! Dù sao đi nữa, bởi lấy nê hay tình thật, miễn là Đức Kitô được loan truyền thì tôi vui mừng và tôi cứ vui mừng luôn!” (Phil 1.16). (ĐHV 976)
Nhiều người nghĩ rằng muốn làm tông đồ cần phải có ơn Chúa đặc biệt.
Không! ơn Chúa ban luôn luôn sẵn có, miễn là ta biết nhìn thấy và sử dụng. Đó chỉ là những ơn thông thường những đặc tính của mỗi người, những tình tiết của mỗi hoàn cảnh…
Nói như vậy thì ai cũng có tài năng cả, hoàn cảnh nào cũng thuận lợi cả; nhưng tài năng ấy, ân phúc ấy, thuận lợi ấy không phải chỉ để cho một mình ta được cứu rỗi mà là để phục vụ ích lợi của tất cả mọi người.
Trong việc dành cho người mù ở đảo Sardaigne (Ý) có một cô gái tên là Pina, mù cả hai mắt từ hồi còn nhỏ. Rủi ro thay! Cha tuyên úy của nhà mù vừa bị bệnh tê liệt, không thể dâng lễ được nữa. Vì lý do đó, người ta định đưa Chúa Giêsu ra khỏi nhà. Nghe tin ấy, cô Pina kêu nài tận đến Đức Giám mục, xin ngài để Chúa Giêsu ở lại, vì đó là ánh sáng duy nhất của những kẻ mù lòa như cô. Cô được phép, và cùng một trật cũng được đặc ân trao Mình Thánh Chúa cho cha tuyên úy và các bạn của cô.
Nhưng không những thế cô luôn luôn cầu nguyện và ước ao phục vụ hơn nữa theo sức cô.
Cô được dùng mấy giờ trên đài phát thanh nọ của tư nhân, và với phương tiện ấy, cô đã chuyển đến cho các bạn cô món quà tuyệt hảo nhất mà cô nhận được nơi Chúa để nâng đỡ những người đau khổ bằng chính kinh nghiệm của cô: Những bài suy niệm, những lời khuyên nhủ, những khuyến khích, và biết bao là câu chuyện bổ ích khác…
Làm sao cô Pina học được, làm được những điều ấy khi mà cô cũng như cả nhà đều phải mù loà: Ai đọc sách cho cô nghe: Ai giảng dạy cho cô hiểu? Đó là nhờ cô, ngoài những điều nghe người ta nói, còn nghe đài phát thanh quốc gia, đặc biệt là đài phát thanh Vatican; cô nghe những bài suy niệm Phúc âm, những tin tức nóng bỏng trên thế giới, những lời nhắn nhủ tha thiết của Đức Thánh cha, theo dõi những biến cố trong Hội Thánh… Cô mù lòa, nhưng ánh sáng Phúc âm vẫn chiếu giọi đến tâm hồn cô, cho cô chất liệu để suy niệm và sau đó chuyển lại cho những người bạn cùng đau khổ như cô.
Trong một thời gian rất lâu, chẳng ngờ rằng cô Pina là người tàn phế! Khi biết được, ai cũng xúc động. Cuộc đời của cô đã làm cho nhiều người, nhất là những tâm hồn tận hiến phải suy nghĩ:
* Có bao giờ tôi nghĩ đến việc dùng vài giờ trong tuần lễ, hoặc ít là mười lăm phút mỗi ngày để giúp người khác chưa?
* Tôi có biết săn sóc nhà cửa, nấu nướng, may vá và làm những việc lặt vặt trong nhà không?…
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Thánh Mátthia Tông đồ (Ga 15, 9-17)
- Trước khi từ biệt các môn đệ thân yêu để đi vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu đã nói với các ông mệnh lệnh cuối cùng của Ngài, và cũng là lời trăn trối, lời di chúc của Ngài: “Đây là điều răn của Thầy, các con hãy yêu thương nhau”. Đó là câu mở đầu của bài Tin mừng, và cũng là câu cuối cùng của bài Tin mừng, Chúa nhắc lại: “Điều Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau”. Rõ ràng Đức Giêsu muôn dạy các môn đệ và chúng ta hãy yêu thương nhau.
- Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như người tôi tớ… và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
- Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:
– Yêu như Chúa yêu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Ga 15, 12) hoặc “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1G 4, 8-11).
– Yêu đến tận cùng như Đức Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Thánh Gioan diễn tả: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3, 16).
– Tình yêu phải thể hiện trong việc làm: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn tả: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 16-18).
- Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của tình yêu. Hy sinh cho người xa lạ là điều đáng khâm phục, và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác được sống quả là một diễn tả tuyệt vời của tình yêu.
Ai đã có dịp đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của Khái Hưng mới thấy thấm thía lời Đức Giêsu đã dạy. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây, nhưng khúc cây quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người cùng bám vào một khúc cây. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng đó, đòi hỏi họ có một sự lựa chọn. Người chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “Em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo người chồng “Anh phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.
- Tin mừng hôm nay cũng hướng chúng ta về hình ảnh yêu thương tuyệt vời này: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người yêu”. Chúa Giêsu đã cứu thoát nhân loại bằng cách hiến mạng sống mình qua cái chết trên Thập giá, như một biểu lộ tột cùng của tình yêu. Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu nhân loại mà không cần phải nhập thể làm người và chết trên Thập giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này, vì Ngài muốn cho con người có được cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thế loài người, đó là hy sinh mạng sống vì người mình yêu.
- Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thật là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán hơn thiệt, mà là “yêu như Chúa đã yêu” khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
- Truyện: Sẵn sàng chết cho người khác
Một vị đạo sĩ kia kể rằng: Ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với người Tây Tạng đồng hành:
– Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó!
Nhưng người Tây Tạng trả lời:
– Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe doạ.
Nhưng vị đạo sĩ nói:
– Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cũng nên chết vì đã giúp người khác, đó là điều tốt đẹp hơn.
Nói rồi, vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây Tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành Tây Tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta quá mệt ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn, nên cơ thể nóng lên thêm, nhờ đó mà ông thoát chết vì lạnh.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Nguồn: TGP Sài Gòn