spot_img

Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ga 14,15-16.23b-26)

Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều.

Bài đọc 1: Cv 2, 1-11

Ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !”

Đáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac.29bc-30.31 và 34 (Đ. x. c.30)

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

1abChúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả !
24acCông trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

29bcNgài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay,
mà trở về cát bụi.
30Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

31Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
34Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

Bài đọc 2Rm 8, 8-17

Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

8 Thưa anh em, những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. 9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. 10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. 11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

12 Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. 13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.

14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi !” 16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.

Ca tiếp liên

Muôn lạy Chúa Thánh Thần,
xin ngự đến trần gian,
tự trời cao gửi xuống
nguồn ánh sáng toả lan.

Lạy Cha kẻ bần hàn,
Đấng tặng ban ân điển
và soi dẫn nhân tâm,
cúi xin Ngài ngự đến !

Đấng ủi an tuyệt diệu
thượng khách của tâm hồn,
ôi ngọt ngào êm dịu
dòng suối mát chảy tuôn !

Khi vất vả lao công,
Ngài là nơi an nghỉ,
gió mát đuổi cơn nồng,
tay hiền lau giọt lệ.

Hỡi hào quang linh diệu,
xin chiếu giãi ánh hồng
vào tâm hồn tín hữu
cho rực rỡ trinh trong.

Không thần lực phù trì
kẻ phàm nhân cát bụi,
thật chẳng có điều chi
mà không là tội lỗi.

Hết những gì nhơ bẩn,
xin rửa cho sạch trong,
tưới gội nơi khô cạn,
chữa lành mọi vết thương.

Cứng cỏi uốn cho mềm,
lạnh lùng xin sưởi ấm,
những đường nẻo sai lầm
sửa sang cho ngay thẳng.

Những ai hằng tin tưởng
trông cậy Chúa vững vàng,
dám xin Ngài rộng lượng
bảy ơn thánh tặng ban.

Nguyện xin Chúa thưởng công
cuộc đời dày đức độ,
ban niềm vui muôn thuở
sau giờ phút lâm chung.

A-men. Ha-lê-lui-a.

Tin mừng: Ga 14, 15-16.23b-26

15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.

16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.

23b “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.

26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Thời khởi nguyên vũ trụ, khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí ban cho con người sự sống. Hôm nay, Ðức Giêsu Phục Sinh cũng thổi Thần Khí vào các môn đệ. Các ông được lãnh nhận Thánh Thần. Lãnh nhận sự sống của Ðức Giêsu. Trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ sẽ tiếp tục sứ mạng của Ðức Giêsu: Thông ban sự sống và ơn tha tội. Trong Chúa Thánh Thần, Hội Thánh của Ðức Giêsu được hình thành từ hạt nhân là các môn đệ.

Mỗi tín hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần qui tụ, thôi thúc và ban ơn để làm chứng cho Ðức Giêsu ngay trong cuộc sống của mình. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phá vỡ mọi ngăn cách, kỳ thị để mọi người thực sự liên đới, cảm thông và hiệp nhất với nhau. Ðể mọi người được sống trong hạnh phục.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ để các ông được thêm sức mạnh và sự hăng say làm chứng cho Chúa. Mỗi người chúng con đã được lãnh nhận Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Chúng con cũng có sứ mạng đem Chúa đến cho người khác. Nhưng trong cuộc sống, có nhiều lúc chúng con vẫn còn nhát đảm, sợ hãi không dám tuyên xưng Chúa, không dám sống theo sự thật. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài củng cố niềm tin và đổi mới chúng con, để chúng con can đảm sống đời chứng nhân. Amen.

Ghi nhớ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ HIỆP NHẤT

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, kỷ niệm việc Ngài được về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã trao ban cho các môn đệ sứ mạng rao giảng Tin mừng cho muôn dân để tiếp nối công việc cứu chuộc của Ngài. Sứ mạng này thật vinh dự nhưng cũng không kém phần khó khăn. Cảm thông được với sự giới hạn của thân phận các Tông đồ và của chúng ta, trước khi về trời, Ngài còn căn dặn các Tông đồ hãy ở lại Giêrusalem chờ đợi điều Ngài đã hứa trước kia: “Hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… Ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”. Lời hứa đó hôm nay đã thành hiện thực với việc Chúa Thánh Thần được ban xuống cho các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần, mà chúng ta vừa nghe trong bài 1 ở sách Công vụ Tông đồ.

Chúa Thánh Thần hiện xuống để ban cho các Tông đồ bảy ơn cả của Ngài. Ngài đến đổi mới mặt địa cầu, thay lòng đổi dạ các Tông đồ để biến các ông thành chứng nhân dũng cảm của Chúa giữa lòng đời. Trong các ơn Chúa Thánh Thần đã ban cho Giáo hội, ta thấy Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất. Ngài là ân huệ của Đấng Phục sinh, và là nguồn sức mạnh nối kết muôn dân và các tín hữu nên một trong cùng một phép Rửa và một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Không ai có thể nói: Đức Giêsu là Chúa mà lại không do Thánh Thần”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 2, 1-11

Đoạn sách Công vụ Tông đồ hôm nay tường thuật việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ. Thánh Luca cho biết: vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu Phục sinh, các Tông đồ họp nhau lại trong nhà Tiệc ly, tại Giêrusalem, chờ đợi điều Đức Giêsu đã hứa: đón nhận Chúa Thánh Thần.

Khi các Tông đồ đang hội họp nhau cầu nguyện thì sự kiện lạ lùng xảy ra: từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy căn nhà. Tiếp theo người ta nhìn thấy những gì như hình lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi Tông đồ, và ai nấy được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Sau đó, mọi người nói được các thứ tiếng lạ khác nhau, ai nghe cũng hiểu được.

Các hình biểu tượng đó đều có ý nghĩa: Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Với ơn Chúa Thánh Thần, các Tông đồ trở nên nhiệt thành can đảm đi rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa nơi các dân tộc.

+ Bài đọc 2: 1Cr 12, 3b-7.12-13

Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu – để tránh sự chia rẽ đang nhen nhúm trong cộng đoàn – hiểu rằng Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất. Ngài nhắc lại cho họ biết: trong Giáo hội sơ khai, Chúa Thánh Thần đã ban nhiều đặc sủng khác nhau cho nhiều người. Nhưng tất cả những đặc sủng ấy chỉ nhằm xây dựng cộng đoàn, chứ không phải để phục vụ lợi ích cá nhân.

Trong mọi trường hợp, những đặc sủng ấy đều nhằm hướng tới sự hiệp nhất các Giáo hội. Vì thế, một mặt các tín hữu phải tránh sự chia rẽ đang tiềm tàng nơi cộng đoàn, mặt khác phải nỗ lực dùng mọi ân huệ Chúa Thánh Thần ban mà xây dựng thân thể Giáo hội.

+ Bài Tin mừng: Ga 20, 19-23

Theo quan điểm của Gioan, việc trao sứ mạng và ban Thánh Thần cho các môn đệ đã xảy ra ngay buổi chiều chính hôm lễ Phục sinh. Như vậy, căn bản mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống đã được biểu lộ trọn vẹn trong ngày ấy. Tuy nhiên, theo quan điểm Luca thì Thánh Thần được ban trong lễ Ngũ tuần. Thực ra, Luca và Gioan đều nói cùng một điều: Chúa sống lại ban ân sủng là Thánh Thần, và khai mở sứ vụ Giáo hội. Cách mô tả của hai thánh sử chỉ khác nhau ở thời điểm, do những quan niệm thần học của các ngài.

Thật vậy, Gioan nhìn mầu nhiệm Giáo hội “từ phía” Đức Kitô, nên từ quan điểm này, rõ ràng là Giáo hội được sinh ra trong hành động tuyệt đỉnh của hy tế thập giá. Nhưng nếu cũng mầu nhiệm này được nhìn “từ phía” các Tông đồ thì để trở nên những cột trụ của Hội thánh, rõ ràng các Tông đồ cũng phải làm một hành trình thiêng liêng, vừa đi vừa điều chỉnh đức tin dần dần theo sự thực của Chúa sống lại (Jean Frisque).

Trong lần hiện ra lần đầu tiên với các Tông đồ, ngoài việc ban Thánh Thần cho các ông, Đức Giêsu còn cầu chúc bình an, ban quyền tha tội và sai các ông đi rao giảng Tin mừng cứu độ cho muôn dân.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hiệp nhất trong Giáo hội Chúa Kitô

I. CHÚA THÁNH THẦN ĐƯỢC BAN XUỐNG

1. Lời hứa ban Thánh Thần

Nhìn lại những đoạn Tin mừng theo thánh Gioan được trích trong hai tuần lễ vừa qua, chắc hẳn chúng ta đều nhận ra rằng: lời hứa ban Thánh Thần là điều được Đức Giêsu lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Chính Ngài đã khẳng định với các Tông đồ: “Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con” (Ga 16, 7).

Và lời hứa ấy đã được thực hiện ngay khi Đức Giêsu sống lại hiện ra với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly vào ngày thứ nhất trong tuần. Sau khi chào thăm các ông, Ngài thở hơi và nói với các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như thế, đối với Gioan, việc Đức Giêsu Tử nạn – Phục sinh – Ban Thánh Thần chỉ là một.

Chính vì thế, phụng vụ đã chọn đọc bài Tin mừng hôm nay chính thức hai lần trong mùa Phục sinh: một là vào ngày Chúa nhật trong tuần Bát nhật Phục sinh và hôm nay, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Cũng theo chiều hướng đó, thánh Gioan đã gắn liền cái chết của Đức Giêsu trên thập giá với việc trao ban Thần khí, thánh sử đã thuật lại giờ ra đi của Đức Giêsu như sau: “Ngài gục đầu xuống và trao ban Thần khí” (Ga 19, 30).

Như vậy, ngày Phục sinh Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20, 21-23), nhưng ngày lễ Hiện xuống, Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày khai sinh Giáo hội (Cv 2, 1-13). Cũng như qua bí tích Rửa tội, chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua bí tích Thêm sức, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách long trọng, để trở thành người chiến sĩ của Nước trời vậy.

2. Chúa Thánh Thần được ban xuống

Vào dịp lễ Ngũ tuần, tức là 50 ngày sau lễ Vượt qua, theo lời dặn của Đức Giêsu, các Tông đồ họp nhau lại tại nhà Tiệc ly để đón nhận Chúa Thánh Thần. Sách Công vụ Tông đồ kể lại cho chúng ta những sự lạ đã xảy ra bên trong và bên ngoài ngôi nhà nơi các môn đệ đang hội họp, có Đức Mẹ ở giữa. Bên trong có tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào nhà, có những lưỡi lửa xuất hiện và đậu trên đầu từng người. Họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Bên ngoài dân chúng bỡ ngỡ kéo đến bao vây.

Sự gì đã xảy ra? Phêrô, con người nhát đảm ấy, hôm nay mở tung cửa và bước ra, theo sau là các môn đệ khác. Họ lâng lâng như người say rượu, khiến dân chúng bàn tán, nhưng họ không say rượu mà say Chúa! Vì hôm nay, ứng nghiệm lời tiên tri Joel đã tiên báo: “Ta sẽ đổ Thánh Thần xuống và chúng sẽ nói tiên tri”.

Phêrô giảng bài đầu tiên làm cho 3000 người trở lại. Các Tông đồ khác cũng bắt đầu sứ mạng rao giảng, với đặc ân Thánh Thần ban cho là nói được tiếng bản xứ của mỗi thính giả từ các nơi đổ về.

II. THÁNH THẦN, ĐẤNG BAN SỰ HIỆP NHẤT

1. Ngày khai sinh Giáo hội

Trước hết, Chúa Thánh Thần, chính là Đấng quy tụ muôn dân nên một trong Giáo hội. Thật vậy, các Tông đồ trước khi nhận lãnh Thánh Thần đã “đóng kín cửa vì sợ người Do thái”. Thế nhưng, sau khi đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần, các ngài đã mở tung cửa mạnh dạn bước ra rao giảng cho mọi người Tin mừng về Đấng Phục sinh khiến mọi người đều bỡ ngỡ.

Theo sách Công vụ Tông đồ thuật lại lúc đó, tại Giêrusalem có rất nhiều người thuộc các dân tộc với nhiều tiếng nói khác nhau, từ muôn nơi trở về nhân dịp lễ Vượt qua, nhưng có một điều lạ là tất cả đều nghe rõ và hiểu điều các Tông đồ loan báo, họ thắc mắc: “Tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Pontô, Tiểu á, Phrygia, Pamphilia, Ai cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ tại đây, là Do thái và tòng giáo, là người Crêta và Ả Rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa”.

Khi nêu lên danh sách các dân tộc này, thánh sử Luca đã cho thấy tính phổ quát của Tin mừng cứu độ. Mọi dân nước dù xa xôi như Rôma, mút cùng thế giới theo quan điểm của người Do thái, hay bé nhỏ như Pamphylia, một thành phố rất nhỏ của đế quốc Rôma, cũng phải được nghe loan báo Tin mừng và quy tụ về thành một đoàn chiên duy nhất dưới quyền của một chủ chiên là Đức Kitô.

Như thế, Chúa Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của thánh Phaolô trong bài đọc 2: “Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần”.

2. Những ân ban của Chúa Thánh Thần

Khi chịu phép Thêm sức, người tín hữu học về Ngôi Ba Thiên Chúa, về ơn Chúa Thánh Thần và những hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội và trong đời sống người tín hữu. Giáo lý Công giáo dạy có 7 ơn Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan, ơn thông hiểu, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn suy biết, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Chúa. Đó là những ơn căn bản cần thiết cho đời sống người Kitô giáo. Còn có những ơn khác nữa như ơn nhẫn nại, chịu đựng, ơn đơn sơ, hồn nhiên…

Thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Côrintô giải thích là ơn Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn nơi các tông đồ mà thôi, nhưng còn được tác động trong nhiều cách thế, nơi nhiều người khác nhau.

Trong ngày lễ Hiện xuống hôm nay, chúng ta đặc biệt chú trọng đến ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là quy tụ mọi dân tộc lại trong một cộng đoàn tức là Giáo hội. Ngài là hồn sống của Giáo hội và của từng người một. Bài tường thuật của sách Công vụ hôm nay là đối trọng của bài tường thuật tháp Babel thời Cựu ước.

Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Noe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi giục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không quy tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.

Hôm lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó: tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu?

Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 226).

III. TA XÂY DỰNG HỘI THÁNH HIỆP NHẤT

Vai trò của mỗi Kitô hữu

Khi được chịu phép rửa tội, chúng ta trở thành một phần tử trong Giáo hội, thành một chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mỗi người phải có một vai trò trong Giáo hội tùy theo khả năng mà Chúa Thánh Thần sắp xếp. Không ai được đứng bên lề Giáo hội.

Ta thấy ơn Chúa Thánh Thần tác động như thế nào trong đời sống của Giáo hội như thánh Phaolô chỉ dạy: Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần, có nhiều chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa, có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng hoàn thành mọi sự trong mọi người” (1Cr 12, 3). Như vậy tất cả các phần tử trong Giáo hội đều đóng những vai trò quan trọng khác nhau và thi hành những phận vụ khác nhau. Ơn Chúa Thánh Thần ban cho mỗi phần tử khác nhau là để hợp nhất các phần tử. Và cái dấu chỉ của việc hoạt động tông đồ nhằm mục đích vinh danh Chúa.

Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm lặng lẽ hoạt động nơi ta và Giáo hội mà ta không thấy. Có người tự hỏi tại sao Chúa Thánh Thần không làm những việc lạ lùng vĩ đại trong thời đại ta đang sống? Để trả lời, ta cần nhận định là Thiên Chúa vẫn làm những công việc lạ lùng trong thời đại chúng ta đang sống, miễn là ta biết mở rộng tâm hồn và cộng tác với ơn Chúa và để Chúa làm chủ đời sống.

2. Tránh gây sự chia rẽ

Công đồng Vatican II dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã làm sáng tỏ trong việc giáo huấn là tất cả mọi phần tử trong Giáo hội đều được gọi, để sống đời sống thánh thiện và làm chứng của đức tin. Như vậy thì tất cả mọi người đều được gọi đóng vai trò của mình trong việc hoạt động tông đồ của Giáo hội tùy theo khả năng và phương tiện có thể.

Theo thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết mọi thành phần trong Hội thánh, nên mỗi thành phần không đứng riêng rẽ, nhưng liên đới và gắn bó chặt chẽ với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể: “Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy”.

Nhìn vào con người chúng ta, chỉ có một thân thể mà có nhiều chi thể: tai, mắt, mũi, miệng, chân tay… Mỗi chi thể có nhiệm vụ khác nhau. Chi thể nọ cần đến chi thể kia để bổ túc cho nhau và để nhằm lợi ích cho toàn thân. Và cái dụng cụ Chúa dùng trong việc mở mang Nước Chúa không chỉ tuỳ thuộc vào cái tài khéo, mức độ học vấn, hay địa vị của mỗi người mà thôi, nhưng còn tùy thuộc vào quyền năng của Chúa với sự cộng tác của mỗi người với Chúa.

3. Sống hiệp nhất yêu thương

Tính cách cộng đoàn của lễ Hiện xuống đòi hỏi phải có đức bác ái huynh đệ: Thánh Thần không đến trên từng cá nhân riêng rẽ, nhưng trong một tập thể được nối kết bằng hiệp nhất yêu thương. Nơi nhóm người họp nhau tại căn phòng, Chúa Thánh Thần muốn nối kết thành cộng đoàn hiệp nhất, cộng đoàn này luôn luôn mở rộng ra khắp thế giới mà vẫn luôn giữ được mối hiệp nhất.

Ngày Hiện xuống này chính là ngày thành lập Hội thánh. Thế nên, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ của mình cùng lãnh nhận Thánh Thần ở Giêrusalem bằng một biểu lộ hiệp nhất. Các môn đệ đã thực hiện sự hiệp nhất này qua việc chung sống yêu thương. Sự chung sống yêu thương này khác hẳn thái độ ghen tỵ vẫn thường xảy ra trong đời sống công khai của Đức Giêsu. Đây chính là kiểu mẫu bác ái phải có nơi các Kitô hữu khắp mọi nơi.

Truyện: Tha nhân là chính Chúa

Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn giáo tại chân núi Himalaya. Ông lo âu trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông.

Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân đến từ khắp nơi. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì lèo tèo mấy người. Cuộc sống thật là buồn tẻ.

Vị bề trên hỏi tu sĩ Ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo:

– Các tội đã và đang xảy ra tại cộng đoàn đó là tội vô tình. Và giải thích: Đấng Cứu thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài.

Nhận được câu trả lời giải đáp, vị Bề trên hối hả quay về tu viện. Ông tập họp cộng đoàn lại, và loan báo cho mọi người biết Đấng Cứu thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu thế cải trang vậy? Nhưng có một điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu thế.

Vậy là từ đó, mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu thế. Chẳng bao lâu bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (D. Wahrheit, Món quà Giáng sinh, tr 287).

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

A. DẪN NHẬP

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Theo Tin mừng của Gioan, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay chiều ngày Phục sinh: “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20, 22). Tuy nhiên chúng ta nên tránh xa cảm tưởng có sự xảy ra hai lần việc Thánh Thần được ban cho long trọng lúc ban đầu. Luca và Gioan nói về cùng một việc: Chúa sống lại ban ơn Chúa Thánh Thần và khai mạc sứ mạng của Giáo hội. Sự khác nhau của hai ông về thời điểm là do quan điểm thần học của mỗi ông. Hay nói khác đi, lễ Hiện xuống là ngày Đức Giêsu đặc biệt giới thiệu Giáo hội cho muôn dân muôn nước.

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ hãy ở lại trong thành chờ đợi Chúa Thánh Thần. Vâng lệnh Chúa, 120 môn đệ cùng với Đức Maria tụ họp nhau cầu nguyện trong nhà, có lẽ nhà Tiệc ly. Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông với tiếng gió thổi ào ào và những hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ông. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các ông nói được nhiều thứ tiếng lạ, ai cũng có thể hiểu được và sau đó các ông can đảm đi rao giảng Đức Kitô Phục sinh cho mọi người.

Ngày nay, lễ Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo hội, vì Ngài là Đấng soi sáng, đổi mới, ban bình an và niềm vui cho mọi người. Ngài là hồn sống của Giáo hội. Nếu không có Ngài thì mọi hoạt động trở nên trống rỗng. Ngài cũng vẫn hoạt động trong mỗi người chúng ta với Bảy ơn cả của Ngài để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 2, 1-11

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Vâng theo lời căn dặn của Chúa Phục sinh, ngày lễ Ngũ tuần, các môn đệ tụ họp tại nhà Tiệc ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.

Sáng hôm đó, đang khi các môn đệ cầu nguyện cùng Đức Maria, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông. Mọi người nhận thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống với hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ông. Và sau đó các ông nói được những thứ tiếng lạ, mọi khách hành hương đều thấy họ nói được tiếng bản xứ của mình một cách thành thạo.

Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã nhiệt thành rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Đức Kitô khắp mọi nơi.

+ Bài đọc 2: 1Cr 12, 3b-7.12-13

Thánh Phaolô nhắc nhở cho tín hữu Côrintô một số điều:

– Nguồn gốc mọi đặc sủng là Chúa Thánh Thần. Ngài ban các đặc sủng ấy cho từng người tuỳ nhu cầu, không ai giống ai.

– Tuy nhiên các đặc sủng ấy không phải để phục vụ cho cá nhân, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn.

– Hội thánh được coi như một thân thể, cần phải có sự hợp nhất các chi thể. Vì thế, mọi tín hữu phải tránh sự chia rẽ, để cùng hợp lực xây dựng thân thể Hội thánh.

Bài Tin mừng: Ga 20, 19-23

Theo Gioan làm chứng, việc trao ban sứ mạng và ban Thánh Thần đã xảy ra ngay lần đầu tiên Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày Phục sinh. Như vậy, căn bản mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống đã được biểu lộ trọn vẹn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Luca thì Thánh Thần được ban hôm lễ Ngũ tuần. Theo bài Tin mừng, Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông đồ những ơn:

– Ơn bình an, đặc trưng của thời Messia.

– Ơn tha tội, nhờ đó con người được hưởng niềm vui và bình an.

– Ơn trợ giúp, nhờ đó Giáo hội ra đi để loan báo Tin mừng cứu độ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Thánh Thần biến đổi các môn đệ

I. BỐI CẢNH NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG

Ý nghĩa bài Tin mừng hôm nay

Phụng vụ chọn lựa bài Tin mừng này trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho cả ba năm A, B, C là vì trong bài này thánh sử Gioan đã kể lại việc Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các Tông đồ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Việc ban Thánh Thần biểu lộ ý nghĩa: Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống và hoạt động của các Tông đồ. Vì thế qua việc mừng lễ này Giáo hội muốn cho chúng ta xác tín hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội và đời sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta tha thiết hơn trong việc cảm tạ và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày.

Tại nhà Tiệc ly

Ngày lễ Phục sinh Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20, 21-23). Nhưng ngày lễ Hiện xuống, Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày khai sinh Giáo hội hay ngày giới thiệu Giáo hội cho muôn dân (Cv 2, 1-13). Cũng như qua bí tích Rửa tội, chúng ta nhận Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua bí tích Thêm sức, chúng ta lãnh nhận cách long trọng và dồi dào để trở thành chiến sĩ Chúa Kitô.

Lễ Ngũ tuần là một trong ba đại lễ của người Do thái. Lễ này được mừng 50 ngày sau lễ Vượt qua, là để tạ ơn Chúa vì mùa thu hoạch lúa mì vừa kết thúc và cũng là để kỷ niệm Thiên Chúa ban Lề luật trên núi Sinai.

Trước khi về trời Đức Giêsu đã ra lệnh cho môn đệ đi rao giảng Tin mừng, rồi Ngài thêm: “Nhưng hãy đợi trong thành cho đến khi các con được mặc lấy quyền năng bởi trời”, và 120 người ấy đã hoàn toàn vâng theo. Dầu phần lớn trong số họ không có nhà cửa gì tại thủ đô, nhưng vẫn trung thành họp nhau cầu nguyện để trông chờ ứng nghiệm điều Đức Giêsu đã hứa.

Trong số 120 người tụ họp tại nhà Tiệc ly, có Đức Maria, các Tông đồ và một số người khác. Theo như thánh Phaolô đã kể lại trong thư thứ nhất Côrintô 15, 6 thì 500 người đã cùng được gặp Chúa khi Ngài hiện đến sau Phục sinh, chúng ta không hiểu tại sao họ lại không hiện diện trong dịp họp mặt này. Sách Công vụ Tông đồ cũng ghi đặc điểm của cuộc hội họp này là “Tất cả đều kiên tâm nhất trí cầu nguyện liên tục cùng với Đức Maria”.

Sách Công vụ Tông đồ còn ghi: “Mọi người đang tề tựu tại một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4).

Trong Kinh thánh, lửa cũng được dùng để chỉ về chức vụ của Chúa Thánh Thần. Như gió thổi và làm cho loài người tươi mát thế nào, thì lửa lại tiêu sạch rơm rác hôi thối chung quanh nhà chúng ta, khiến xóm giềng dễ chịu. Chúa Thánh Thần sẽ tác động để đời sống tốt lành của chúng ta toả hương, gây ảnh hưởng tốt, và Chúa đưa tới vinh quang đời sống tốt đẹp của chúng ta.

Tiếng gió động ào ào tượng trưng sức sống thần khí, khi Thiên Chúa dựng nên con người, Thiên Chúa đã thổi hơi vào thẳng người được dựng nên bằng bùn đất. Hơi thở thần khí đã biến bùn đất thành Adong sống động. Từ đó Adong trở thành người đầy sức sống tốt lành và tràn đầy sinh lực hạnh phúc. Luồng gió mới của thần khí nay cũng thổi vào khắp các cơ thể xác thịt của Tông đồ biến đổi các ông thành chi thể mới của Đức Kitô chứa đầy những đặc sủng, để các ông phục vụ nhiều việc khác nhau vì ích chung nhờ Thánh Thần đang hoạt động nơi các ông.

Qua các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chúng ta có thể gọi lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Giáo hội, hay ngày Đức Giêsu giới thiệu Giáo hội cho muôn dân, nhưng đồng thời Chúa cũng cho biết lễ Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động mạnh mẽ bên trong Giáo hội, ví dụ: Công đồng Vatican II là một lễ Hiện xuống mới. Công đồng đã quyết định một cách bất ngờ và đã canh tân Giáo hội cho phù hợp với bước tiến của thế giới ngày nay.

II. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng

Tuy đã ở với Đức Giêsu gần 3 năm trời, các môn đệ cũng chưa hiểu thấu được những lời Ngài dạy, những việc Ngài làm. Chẳng hạn một ngày nọ Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Con người sẽ phải bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết Ngài nhưng ba ngày sau khi chết Ngài sẽ sống lại”. Thánh Marcô liền chú thích thêm: “Nhưng các môn đệ chẳng hiểu điều Ngài muốn nói và họ sợ hãi không dám hỏi Ngài” (Mc 9, 31-32).

Tương tự như thế, sau khi mô tả Đức Giêsu cưỡi lừa tiến vào thành Giêrusalem vào Chúa nhật lễ lá, thánh Gioan nói rằng: “Thoạt tiên các môn đệ Ngài không hiểu được điều này, nhưng sau khi Đức Giêsu được vinh hiển thì họ nhớ lại những điều này đã được viết về Ngài” (Ga 12, 16).

Hoặc dịp khác, có lần Đức Giêsu bảo các nhà cầm quyền ở Giêrusalem: “Hãy tiêu hủy đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Đoạn thánh Gioan chú thích thêm: “Tuy nhiên Đức Giêsu có ý nói về đền thờ thân xác Ngài. Do đó, khi Ngài từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại Ngài đã nói điều này, và nhờ đó họ tin vào Kinh thánh và những lời Đức Giêsu đã nói ra” (Ga 2, 20-22).

Điều gì đã xảy ra cho các môn đệ Đức Giêsu giúp họ thấu hiểu được những điều này? Đó chính là điều Đức Giêsu đã từng nói: “Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho các con mọi sự và sẽ nhắc nhở cho các con mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).

Nói cách khác, điều làm cho các Phúc âm có giá trị dường ấy, là vì chúng đã được viết dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự đến vào dịp lễ Hiện xuống. Chúa Thánh Thần đã ban cho các môn đệ Đức Giêsu sự thấu hiểu mới mẻ về các lời dạy của Đức Giêsu. Chính sự thấu hiểu này đã được các Phúc âm ghi lại.

Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới

Khi được lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã được đổi mới hoàn toàn. Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phêrô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng về Đức Giêsu chịu thương khó và phục sinh. Có 3000 người xin được rửa tội. Giáo hội được khai sinh từ đó vào ngày lễ Ngũ tuần. Thánh Thần đến, Giáo hội khai sinh.

Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông đồ nhỏ, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin mừng phục sinh. Các ngài được trang bị bằng quyền năng Chúa Thánh Thần để bẻ gãy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.

Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một lòng tin vào Chúa. Các ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp, bách hại, Giáo hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo hội do người dân chài Galilê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.

Vậy bí quyết ẩn tàng trong đó và lý do tồn tại của Giáo hội là gì nếu không phải chính là sức mạnh, là quyền năng của Chúa Thánh Thần?

Truyện: Các nữ tu tại Vendée

Các chị dòng tại tu viện Vendée nước Pháp không quên rằng Chúa Thánh Thần là quan trọng. Trong thời kỳ cách mạng Pháp, nhiều linh mục và nữ tu bị giết. Toàn thể các chị ở tu viện Vendée bị kết án lên máy chém. Chị nào cũng hiểu lên máy chém ghê sợ chừng nào, nhưng không một chị nào tỏ ra sợ sệt chút gì hết. Trái lại, đứng sát bên nhau, các chị cất tiếng hát bài thực du dương. Đứng trước cái chết, các chị vẫn ca hát, và bài hát các chị hát là bài thánh ca “Xin Chúa Thánh Thần ngự đến” (Diamond, Đồng cỏ non, tr 93).

Chúa Thánh Thần, Đấng ban bình an

Khi Đức Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, các môn đệ buồn sầu lo lắng, tâm trạng hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông được bình an và niềm vui, không còn sợ sệt gì nữa, nhưng lòng rất thanh thản. Đức Giêsu đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”. Còn một niềm vui nữa là đem bình an và tha thứ cho những người khác: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”.

Nhiều khi chúng ta rơi vào tâm trạng sợ sệt, bất an, mặc cảm tội lỗi. Khi đó chúng ta co cụm lại, rút lui vào nỗi cô đơn của mình và không muốn gặp ai cả. Tình trạng này thật là buồn chán. Phải sống trong tình trạng này thì chẳng khác nào như đã chết. Do đó cần phải có ai đó giúp chúng ta thoát khỏi tâm trạng bất thường ấy. Người ấy là ai? Thưa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng tái tạo những gì suy sụp và hư mất.

Truyện: Nhà biên kịch Henri Ghéon

Henri Ghéon là một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, cũng là một người tội lỗi trong đệ nhị thế chiến, ông ở trong một tâm trạng bất an, đã quay trở lại với Chúa. Ông đến xin lãnh bí tích giải tội và ông đã kể lại tâm trạng của mình lúc xưng tội như sau: “Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác… Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi: “Hãy về Bình an. Thánh Thần đã ngự trong con!” Tôi trẻ lại hai mươi tuổi, hai mươi năm tội lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”…

III. CHÚA THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG TRONG GIÁO HỘI

Phải hiểu biết về Chúa Thánh Thần

Chúng ta có thể nói khi Đức Giêsu lên trời là chấm dứt thời kỳ của Ngài ở trần gian và nhường chỗ cho thời kỳ của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã thực hiện và hoàn tất chương trình cứu độ nhưng Chúa Thánh Thần mới là Đấng ban phát công nghiệp ấy cho chúng ta qua bí tích.

Chúa Thánh Thần vẫn còn tiếp tục những công việc của Đức Giêsu trong Giáo hội, không những Ngài hoạt động một cách chung chung, mà Ngài còn hoạt động trong từng người, soi sáng, thúc đẩy mỗi khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta hành động.

Khi học giáo lý chúng ta học và biết nhiều về Chúa Cha cũng như về Chúa Con. Thế nhưng nếu có ai hỏi chúng ta về Chúa Thánh Thần, về những việc Ngài đã làm cũng như về vai trò của Ngài trong cuộc sống, thì rất có thể chúng ta sẽ trả lời không hơn gì những tín hữu Êphêsô thuở trước. Thực vậy, thánh Phaolô đã hỏi họ: “Các ngươi đã nhận Chúa Thánh Thần chưa?” Và họ đã trả lời: “Chúng tôi chưa hề hay biết có một Chúa Thánh Thần”. Phải, Thánh Thần là Thiên Chúa đã bị quên lãng trong đời sống.

Sách giáo lý đã cho biết: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản tính, cùng một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy. Làm sao chúng ta biết được Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ngôi thứ Ba lại là Chúa Thánh Thần? Sở dĩ chúng ta biết được là vì Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta.

Thực vậy, khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, thì Tin mừng đã ghi nhận: Bấy giờ trời mở ra, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu mà ngự xuống, rồi từ trời có tiếng phán: “Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng”. Hoặc trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ: “Các con hãy đi giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Rất may công đồng Vatican II đã dành cho Chúa Thánh Thần một chỗ quan trọng, khiến chúng ta tìm hiểu vai trò quan trọng của Ngài trong đời sống Giáo hội và trong từng người.

Trong mạch sống Giáo hội, tác động của Chúa Thánh Thần thật vô cùng quan trọng cho Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta. Không những cần cho những thừa tác viên của Giáo hội để chu toàn phận sự, mà còn cần cho mọi người để sống đức tin và bác ái. Mọi cố gắng của Giáo hội và của mỗi người đều cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nếu không sẽ trở nên lố bịch và vô vọng, như Đức Thượng phụ Athenagoras, Giáo chủ Constantinople đã nói: “Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ. Tin mừng chỉ là một mớ chữ không hồn. Giáo hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.

Những ân ban của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta bằng những ân ban của Ngài, mà chúng ta gọi là Bảy ơn cả của Chúa Thánh Thần, với mục đích soi sáng, hướng dẫn và giúp ta nên thánh. Thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu từng ơn của Ngài.

Ơn khôn ngoan là ơn giúp chúng ta nâng cao tâm hồn lên trên mọi sự vật mau qua trên mặt đất, để hướng về những sự không mau qua, những sự vĩnh cửu.

Ơn thông hiểu: như một đèn pha thần thánh, chiếu toả sáng làn chân lý Chúa tỏ ra cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa các chân lý ấy.

Ơn lo liệu: như một địa bàn ơn thần thánh, trong những khó khăn, bối rối trong đời sống. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phải làm gì để vinh danh Chúa và cứu vớt linh hồn chúng ta cũng như anh em chúng ta.

Ơn sức mạnh: nghĩa là can đảm. Chúa Thánh Thần cho chúng ta sự can đảm thiêng liêng cần thiết để giữ luật Chúa và luật của Giáo hội. Tử đạo là điển hình cao nhất của ơn sức mạnh.

Ơn hiểu biết: là giúp ta phán đoán đúng đắn các tạo vật, giúp biết sử dụng kiến thức đúng đắn. Ơn hiểu biết không phải chỉ để thu thập các sự kiện về thế gian, nhưng là đặt chúng ta trong liên quan và trật tự.

Ơn đạo đức: là tình yêu và lòng nhiệt thành của con người đối với Cha mình, là ước muốn của người con mong làm đẹp ý Cha mình. Như một ân huệ của Chúa Thánh Thần, ơn đạo đức giúp ta tôn kính và yêu mến Chúa là Cha chúng ta. Nó giúp ta thi hành những gì đẹp lòng Chúa, yêu giúp đỡ anh em, yêu cầu nguyện và yêu Lời Chúa.

Ơn kính sợ Chúa: là ơn giúp ta sợ làm mất lòng Chúa. Không phải sợ hãi như nô lệ sợ chủ, nhưng sợ làm phiền lòng Đấng yêu thương chúng ta. Đấng chúng ta yêu mến. Như Kinh thánh nói: “Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan” (Arthur Tonne).

Đây là mầu nhiệm của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh chết và đã sống lại. Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên “sự biểu lộ và phương thế” của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. TĐ Deus Caritas est, số 33).

Được quy tụ lại với Mẹ Maria lúc Giáo hội mới được khai sinh, giờ đây Giáo hội cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa”. Amen.

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

THỔI HƠI TRÊN CÁC ÔNG

Khi Thầy Giêsu về với Chúa Cha, ngang qua cuộc Khổ nạn,

Ngài biết các môn đệ sẽ ưu phiền (Ga 16, 6.22),

vì mất đi một sự hiện diện gần gũi với con người của Thầy.

Nhưng Thầy hứa sẽ không để họ mồ côi (Ga 14, 18).

Thầy sẽ sai Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với họ,

để Thánh Thần ở với, ở bên, và ở trong các ông (Ga 14, 16-17).

Chúa Giêsu phục sinh đã giữ đúng lời hứa (Ga 20, 22-23).

Ngài đã hiện ra, thổi hơi trên các môn đệ, và ban Thánh Thần.

Thánh Thần là hơi thở sự sống của Chúa phục sinh.

Thánh Thần là một Ngôi Vị mới mẻ, khác với Thầy Giêsu.

Các môn đệ phải dần dần làm quen với Ngôi Vị này.

Họ đã quen với Thầy Giêsu trong gần ba năm qua,

quen với một Đấng có thân xác, có nhân tính như họ.

Họ đã thấy, nghe, và chạm vào Thầy mình (1 Ga 1, 1-3).

Họ đã thấy tay và cạnh sườn của Thầy sau phục sinh.

Bây giờ họ phải làm quen với một Đấng mới,

Đấng ấy không có thân xác để sờ chạm và ngắm nhìn.

Đấng ấy nói nhưng không nghe được bằng tai thường.

Các môn đệ phải làm quen với một cách hiện diện mới.

Họ từ từ thấy Thánh Thần đang hoạt động giữa họ,

Từ từ nhận ra Thánh Thần là một Ngôi Vị thần linh.

Thánh Thần xuất hiện như một vị Thầy mới,

tiếp tục dạy dỗ họ sau khi Thầy Giêsu về với Chúa Cha.

Thầy Giêsu ra đi khi còn nhiều điều cần nói với môn đệ,

nhưng giờ đây họ không đủ sức lãnh nhận (Ga 16, 12).

Khi Thánh Thần đến, Ngài sẽ dạy họ mọi điều

và làm họ nhớ lại mọi điều Thầy Giêsu đã nói (Ga 14, 26).

Ngài sẽ loan báo những gì là của Thầy Giêsu (Ga 16, 14).

và sẽ dẫn họ vào tất cả sự thật (Ga 16, 13).

Thánh Thần khiêm hạ, vì không tự mình nói gì (Ga 16, 13).

Ngài làm chứng và tôn vinh Chúa Giêsu (Ga 15, 26; 16, 14).

Như Chúa Giêsu đã khiêm hạ trước Chúa Cha,

có thể nói Thánh Thần đã khiêm hạ trước Chúa Giêsu.

Mọi lời nói, việc làm của Thánh Thần đều quy về Chúa Giêsu,

chỉ mong Giêsu được mọi người nhận biết.

Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong Hội Thánh lúc ban sơ.

Sách Công vụ Tông đồ cho ta thấy rõ điều đó.

Thánh Thần là quyền năng Thiên Chúa ban từ trời.

Người ta nhận được nhờ cầu nguyện hay do đặt tay,

nhờ nghe giảng hay chịu phép Rửa (Cv 8, 15.17; 10, 44; 2, 38).

Khi được đầy tràn Thánh Thần

các môn đệ trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu

cùng với Thánh Thần (Cv 1, 8; 5, 32; Ga 15, 26-27).

Nhờ Thánh Thần, họ làm được các dấu lạ (Cv 2, 43),

được ơn nói tiếng lạ và ơn nói tiên tri (Cv 2, 4-11; 19, 6).

Chúa Thánh Thần dần dần không còn xa lạ nữa.

Ngài đúng là Chúa, là Thầy, là Đấng Bảo trợ.

Các tín hữu quen nghe được tiếng chỉ bảo của Ngài.

Ngài đòi dành riêng để sai đi Banaba và Sao-lô (Cv 13, 2.4).

Thánh Thần đã soi sáng cho các tông đồ và kỳ mục

để cùng quyết định trong công nghị ở Giêrusalem (Cv 15, 28).

Hôm nay, Thánh Thần vẫn hiện diện nơi Hội Thánh.

Ngài vẫn ban muôn ơn riêng cho từng chi thể vì ích chung.

Ngài vẫn ban sự sống mới để Hội Thánh luôn luôn mới.

Ngài vẫn quy tụ và hiệp nhất mọi tín hữu bất chấp khác biệt.

Hôm nay, Thánh Thần vẫn cùng đi với Hội Thánh hiệp hành.

Ngài đem đến sự hiệp thông, như thánh Gioan Kim Khẩu nói:

“Kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Độ chính là chi thể của mình.”

Xin cho các Kitô hữu biết mềm mại để đón lấy luồng gió mới

mà Thánh Thần đang thổi trong Hội Thánh,

biết lắng nghe Thánh Thần nơi những người bé nhỏ nhất,

và biết khiêm tốn từ bỏ những định kiến đã bám rễ từ lâu.

LỜI NGUYỆN

Lạy Cha, xin ban cho chúng con Thánh Thần.

Vì không có Thánh Thần,

Cha sẽ là Đấng nghìn trùng xa cách,

Đức Kitô trở thành nhân vật của quá khứ,

Sách Tin Mừng là mớ chữ vô hồn,

Hội Thánh chẳng khác nào một tổ chức trần thế.

Vì không có Thánh Thần của Cha,

quyền uy trở thành sức mạnh thống trị,

truyền giáo trở thành tuyên truyền,

việc phụng tự trở thành một thứ lễ bái,

cách hành xử của kitô hữu thành thứ đạo đức của nô lệ.

Nhưng nếu có Thánh Thần,

vũ trụ này được nâng lên,

những quặn đau để sinh ra Nước Cha mang ý nghĩa,

Đức Kitô phục sinh thật sự hiện diện,

Tin Mừng thành sức sống vô bờ,

Hội Thánh có nghĩa là hiệp thông.

Nếu có Thánh Thần của Cha,

quyền uy của Hội Thánh là khí cụ phục vụ,

truyền giáo trở thành một lễ Hiện Xuống mới,

phụng vụ là một tưởng niệm và là một thực tại,

các hành động của con người mang tính thần linh.

Lạy Cha, xin ban Thánh Thần cho chúng con.

(dựa theo Đức Thượng phụ Athenagoras)

Nguồn: TGP Sài Gòn

BÀI LIÊN QUAN

spot_img

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 12-2023

"Cầu cho người khuyết tật"

 Xin cho những người khuyết tật được xã hội quan tâm cách đặc biệt, và các tổ chức giáo dục cung cấp những chương trình hòa nhập, để tăng cường sự tham gia tích cực của họ.

 

 

- Advertisement -spot_img

BÀI MỚI NHẤT

Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ga 14,15-16.23b-26)

Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều.

Bài đọc 1: Cv 2, 1-11

Ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !”

Đáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac.29bc-30.31 và 34 (Đ. x. c.30)

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

1abChúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả !
24acCông trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

29bcNgài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay,
mà trở về cát bụi.
30Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

31Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
34Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

Bài đọc 2Rm 8, 8-17

Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

8 Thưa anh em, những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. 9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. 10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. 11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

12 Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. 13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.

14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi !” 16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.

Ca tiếp liên

Muôn lạy Chúa Thánh Thần,
xin ngự đến trần gian,
tự trời cao gửi xuống
nguồn ánh sáng toả lan.

Lạy Cha kẻ bần hàn,
Đấng tặng ban ân điển
và soi dẫn nhân tâm,
cúi xin Ngài ngự đến !

Đấng ủi an tuyệt diệu
thượng khách của tâm hồn,
ôi ngọt ngào êm dịu
dòng suối mát chảy tuôn !

Khi vất vả lao công,
Ngài là nơi an nghỉ,
gió mát đuổi cơn nồng,
tay hiền lau giọt lệ.

Hỡi hào quang linh diệu,
xin chiếu giãi ánh hồng
vào tâm hồn tín hữu
cho rực rỡ trinh trong.

Không thần lực phù trì
kẻ phàm nhân cát bụi,
thật chẳng có điều chi
mà không là tội lỗi.

Hết những gì nhơ bẩn,
xin rửa cho sạch trong,
tưới gội nơi khô cạn,
chữa lành mọi vết thương.

Cứng cỏi uốn cho mềm,
lạnh lùng xin sưởi ấm,
những đường nẻo sai lầm
sửa sang cho ngay thẳng.

Những ai hằng tin tưởng
trông cậy Chúa vững vàng,
dám xin Ngài rộng lượng
bảy ơn thánh tặng ban.

Nguyện xin Chúa thưởng công
cuộc đời dày đức độ,
ban niềm vui muôn thuở
sau giờ phút lâm chung.

A-men. Ha-lê-lui-a.

Tin mừng: Ga 14, 15-16.23b-26

15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.

16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.

23b “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.

26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Thời khởi nguyên vũ trụ, khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí ban cho con người sự sống. Hôm nay, Ðức Giêsu Phục Sinh cũng thổi Thần Khí vào các môn đệ. Các ông được lãnh nhận Thánh Thần. Lãnh nhận sự sống của Ðức Giêsu. Trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ sẽ tiếp tục sứ mạng của Ðức Giêsu: Thông ban sự sống và ơn tha tội. Trong Chúa Thánh Thần, Hội Thánh của Ðức Giêsu được hình thành từ hạt nhân là các môn đệ.

Mỗi tín hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần qui tụ, thôi thúc và ban ơn để làm chứng cho Ðức Giêsu ngay trong cuộc sống của mình. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phá vỡ mọi ngăn cách, kỳ thị để mọi người thực sự liên đới, cảm thông và hiệp nhất với nhau. Ðể mọi người được sống trong hạnh phục.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ để các ông được thêm sức mạnh và sự hăng say làm chứng cho Chúa. Mỗi người chúng con đã được lãnh nhận Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Chúng con cũng có sứ mạng đem Chúa đến cho người khác. Nhưng trong cuộc sống, có nhiều lúc chúng con vẫn còn nhát đảm, sợ hãi không dám tuyên xưng Chúa, không dám sống theo sự thật. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài củng cố niềm tin và đổi mới chúng con, để chúng con can đảm sống đời chứng nhân. Amen.

Ghi nhớ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ HIỆP NHẤT

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, kỷ niệm việc Ngài được về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã trao ban cho các môn đệ sứ mạng rao giảng Tin mừng cho muôn dân để tiếp nối công việc cứu chuộc của Ngài. Sứ mạng này thật vinh dự nhưng cũng không kém phần khó khăn. Cảm thông được với sự giới hạn của thân phận các Tông đồ và của chúng ta, trước khi về trời, Ngài còn căn dặn các Tông đồ hãy ở lại Giêrusalem chờ đợi điều Ngài đã hứa trước kia: “Hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… Ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”. Lời hứa đó hôm nay đã thành hiện thực với việc Chúa Thánh Thần được ban xuống cho các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần, mà chúng ta vừa nghe trong bài 1 ở sách Công vụ Tông đồ.

Chúa Thánh Thần hiện xuống để ban cho các Tông đồ bảy ơn cả của Ngài. Ngài đến đổi mới mặt địa cầu, thay lòng đổi dạ các Tông đồ để biến các ông thành chứng nhân dũng cảm của Chúa giữa lòng đời. Trong các ơn Chúa Thánh Thần đã ban cho Giáo hội, ta thấy Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất. Ngài là ân huệ của Đấng Phục sinh, và là nguồn sức mạnh nối kết muôn dân và các tín hữu nên một trong cùng một phép Rửa và một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Không ai có thể nói: Đức Giêsu là Chúa mà lại không do Thánh Thần”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 2, 1-11

Đoạn sách Công vụ Tông đồ hôm nay tường thuật việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ. Thánh Luca cho biết: vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu Phục sinh, các Tông đồ họp nhau lại trong nhà Tiệc ly, tại Giêrusalem, chờ đợi điều Đức Giêsu đã hứa: đón nhận Chúa Thánh Thần.

Khi các Tông đồ đang hội họp nhau cầu nguyện thì sự kiện lạ lùng xảy ra: từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy căn nhà. Tiếp theo người ta nhìn thấy những gì như hình lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi Tông đồ, và ai nấy được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Sau đó, mọi người nói được các thứ tiếng lạ khác nhau, ai nghe cũng hiểu được.

Các hình biểu tượng đó đều có ý nghĩa: Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Với ơn Chúa Thánh Thần, các Tông đồ trở nên nhiệt thành can đảm đi rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa nơi các dân tộc.

+ Bài đọc 2: 1Cr 12, 3b-7.12-13

Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu – để tránh sự chia rẽ đang nhen nhúm trong cộng đoàn – hiểu rằng Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất. Ngài nhắc lại cho họ biết: trong Giáo hội sơ khai, Chúa Thánh Thần đã ban nhiều đặc sủng khác nhau cho nhiều người. Nhưng tất cả những đặc sủng ấy chỉ nhằm xây dựng cộng đoàn, chứ không phải để phục vụ lợi ích cá nhân.

Trong mọi trường hợp, những đặc sủng ấy đều nhằm hướng tới sự hiệp nhất các Giáo hội. Vì thế, một mặt các tín hữu phải tránh sự chia rẽ đang tiềm tàng nơi cộng đoàn, mặt khác phải nỗ lực dùng mọi ân huệ Chúa Thánh Thần ban mà xây dựng thân thể Giáo hội.

+ Bài Tin mừng: Ga 20, 19-23

Theo quan điểm của Gioan, việc trao sứ mạng và ban Thánh Thần cho các môn đệ đã xảy ra ngay buổi chiều chính hôm lễ Phục sinh. Như vậy, căn bản mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống đã được biểu lộ trọn vẹn trong ngày ấy. Tuy nhiên, theo quan điểm Luca thì Thánh Thần được ban trong lễ Ngũ tuần. Thực ra, Luca và Gioan đều nói cùng một điều: Chúa sống lại ban ân sủng là Thánh Thần, và khai mở sứ vụ Giáo hội. Cách mô tả của hai thánh sử chỉ khác nhau ở thời điểm, do những quan niệm thần học của các ngài.

Thật vậy, Gioan nhìn mầu nhiệm Giáo hội “từ phía” Đức Kitô, nên từ quan điểm này, rõ ràng là Giáo hội được sinh ra trong hành động tuyệt đỉnh của hy tế thập giá. Nhưng nếu cũng mầu nhiệm này được nhìn “từ phía” các Tông đồ thì để trở nên những cột trụ của Hội thánh, rõ ràng các Tông đồ cũng phải làm một hành trình thiêng liêng, vừa đi vừa điều chỉnh đức tin dần dần theo sự thực của Chúa sống lại (Jean Frisque).

Trong lần hiện ra lần đầu tiên với các Tông đồ, ngoài việc ban Thánh Thần cho các ông, Đức Giêsu còn cầu chúc bình an, ban quyền tha tội và sai các ông đi rao giảng Tin mừng cứu độ cho muôn dân.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hiệp nhất trong Giáo hội Chúa Kitô

I. CHÚA THÁNH THẦN ĐƯỢC BAN XUỐNG

1. Lời hứa ban Thánh Thần

Nhìn lại những đoạn Tin mừng theo thánh Gioan được trích trong hai tuần lễ vừa qua, chắc hẳn chúng ta đều nhận ra rằng: lời hứa ban Thánh Thần là điều được Đức Giêsu lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Chính Ngài đã khẳng định với các Tông đồ: “Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con” (Ga 16, 7).

Và lời hứa ấy đã được thực hiện ngay khi Đức Giêsu sống lại hiện ra với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly vào ngày thứ nhất trong tuần. Sau khi chào thăm các ông, Ngài thở hơi và nói với các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như thế, đối với Gioan, việc Đức Giêsu Tử nạn – Phục sinh – Ban Thánh Thần chỉ là một.

Chính vì thế, phụng vụ đã chọn đọc bài Tin mừng hôm nay chính thức hai lần trong mùa Phục sinh: một là vào ngày Chúa nhật trong tuần Bát nhật Phục sinh và hôm nay, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Cũng theo chiều hướng đó, thánh Gioan đã gắn liền cái chết của Đức Giêsu trên thập giá với việc trao ban Thần khí, thánh sử đã thuật lại giờ ra đi của Đức Giêsu như sau: “Ngài gục đầu xuống và trao ban Thần khí” (Ga 19, 30).

Như vậy, ngày Phục sinh Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20, 21-23), nhưng ngày lễ Hiện xuống, Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày khai sinh Giáo hội (Cv 2, 1-13). Cũng như qua bí tích Rửa tội, chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua bí tích Thêm sức, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách long trọng, để trở thành người chiến sĩ của Nước trời vậy.

2. Chúa Thánh Thần được ban xuống

Vào dịp lễ Ngũ tuần, tức là 50 ngày sau lễ Vượt qua, theo lời dặn của Đức Giêsu, các Tông đồ họp nhau lại tại nhà Tiệc ly để đón nhận Chúa Thánh Thần. Sách Công vụ Tông đồ kể lại cho chúng ta những sự lạ đã xảy ra bên trong và bên ngoài ngôi nhà nơi các môn đệ đang hội họp, có Đức Mẹ ở giữa. Bên trong có tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào nhà, có những lưỡi lửa xuất hiện và đậu trên đầu từng người. Họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Bên ngoài dân chúng bỡ ngỡ kéo đến bao vây.

Sự gì đã xảy ra? Phêrô, con người nhát đảm ấy, hôm nay mở tung cửa và bước ra, theo sau là các môn đệ khác. Họ lâng lâng như người say rượu, khiến dân chúng bàn tán, nhưng họ không say rượu mà say Chúa! Vì hôm nay, ứng nghiệm lời tiên tri Joel đã tiên báo: “Ta sẽ đổ Thánh Thần xuống và chúng sẽ nói tiên tri”.

Phêrô giảng bài đầu tiên làm cho 3000 người trở lại. Các Tông đồ khác cũng bắt đầu sứ mạng rao giảng, với đặc ân Thánh Thần ban cho là nói được tiếng bản xứ của mỗi thính giả từ các nơi đổ về.

II. THÁNH THẦN, ĐẤNG BAN SỰ HIỆP NHẤT

1. Ngày khai sinh Giáo hội

Trước hết, Chúa Thánh Thần, chính là Đấng quy tụ muôn dân nên một trong Giáo hội. Thật vậy, các Tông đồ trước khi nhận lãnh Thánh Thần đã “đóng kín cửa vì sợ người Do thái”. Thế nhưng, sau khi đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần, các ngài đã mở tung cửa mạnh dạn bước ra rao giảng cho mọi người Tin mừng về Đấng Phục sinh khiến mọi người đều bỡ ngỡ.

Theo sách Công vụ Tông đồ thuật lại lúc đó, tại Giêrusalem có rất nhiều người thuộc các dân tộc với nhiều tiếng nói khác nhau, từ muôn nơi trở về nhân dịp lễ Vượt qua, nhưng có một điều lạ là tất cả đều nghe rõ và hiểu điều các Tông đồ loan báo, họ thắc mắc: “Tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Pontô, Tiểu á, Phrygia, Pamphilia, Ai cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ tại đây, là Do thái và tòng giáo, là người Crêta và Ả Rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa”.

Khi nêu lên danh sách các dân tộc này, thánh sử Luca đã cho thấy tính phổ quát của Tin mừng cứu độ. Mọi dân nước dù xa xôi như Rôma, mút cùng thế giới theo quan điểm của người Do thái, hay bé nhỏ như Pamphylia, một thành phố rất nhỏ của đế quốc Rôma, cũng phải được nghe loan báo Tin mừng và quy tụ về thành một đoàn chiên duy nhất dưới quyền của một chủ chiên là Đức Kitô.

Như thế, Chúa Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của thánh Phaolô trong bài đọc 2: “Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần”.

2. Những ân ban của Chúa Thánh Thần

Khi chịu phép Thêm sức, người tín hữu học về Ngôi Ba Thiên Chúa, về ơn Chúa Thánh Thần và những hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội và trong đời sống người tín hữu. Giáo lý Công giáo dạy có 7 ơn Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan, ơn thông hiểu, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn suy biết, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Chúa. Đó là những ơn căn bản cần thiết cho đời sống người Kitô giáo. Còn có những ơn khác nữa như ơn nhẫn nại, chịu đựng, ơn đơn sơ, hồn nhiên…

Thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Côrintô giải thích là ơn Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn nơi các tông đồ mà thôi, nhưng còn được tác động trong nhiều cách thế, nơi nhiều người khác nhau.

Trong ngày lễ Hiện xuống hôm nay, chúng ta đặc biệt chú trọng đến ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là quy tụ mọi dân tộc lại trong một cộng đoàn tức là Giáo hội. Ngài là hồn sống của Giáo hội và của từng người một. Bài tường thuật của sách Công vụ hôm nay là đối trọng của bài tường thuật tháp Babel thời Cựu ước.

Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Noe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi giục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không quy tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.

Hôm lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó: tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu?

Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 226).

III. TA XÂY DỰNG HỘI THÁNH HIỆP NHẤT

Vai trò của mỗi Kitô hữu

Khi được chịu phép rửa tội, chúng ta trở thành một phần tử trong Giáo hội, thành một chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mỗi người phải có một vai trò trong Giáo hội tùy theo khả năng mà Chúa Thánh Thần sắp xếp. Không ai được đứng bên lề Giáo hội.

Ta thấy ơn Chúa Thánh Thần tác động như thế nào trong đời sống của Giáo hội như thánh Phaolô chỉ dạy: Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần, có nhiều chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa, có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng hoàn thành mọi sự trong mọi người” (1Cr 12, 3). Như vậy tất cả các phần tử trong Giáo hội đều đóng những vai trò quan trọng khác nhau và thi hành những phận vụ khác nhau. Ơn Chúa Thánh Thần ban cho mỗi phần tử khác nhau là để hợp nhất các phần tử. Và cái dấu chỉ của việc hoạt động tông đồ nhằm mục đích vinh danh Chúa.

Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm lặng lẽ hoạt động nơi ta và Giáo hội mà ta không thấy. Có người tự hỏi tại sao Chúa Thánh Thần không làm những việc lạ lùng vĩ đại trong thời đại ta đang sống? Để trả lời, ta cần nhận định là Thiên Chúa vẫn làm những công việc lạ lùng trong thời đại chúng ta đang sống, miễn là ta biết mở rộng tâm hồn và cộng tác với ơn Chúa và để Chúa làm chủ đời sống.

2. Tránh gây sự chia rẽ

Công đồng Vatican II dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã làm sáng tỏ trong việc giáo huấn là tất cả mọi phần tử trong Giáo hội đều được gọi, để sống đời sống thánh thiện và làm chứng của đức tin. Như vậy thì tất cả mọi người đều được gọi đóng vai trò của mình trong việc hoạt động tông đồ của Giáo hội tùy theo khả năng và phương tiện có thể.

Theo thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết mọi thành phần trong Hội thánh, nên mỗi thành phần không đứng riêng rẽ, nhưng liên đới và gắn bó chặt chẽ với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể: “Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy”.

Nhìn vào con người chúng ta, chỉ có một thân thể mà có nhiều chi thể: tai, mắt, mũi, miệng, chân tay… Mỗi chi thể có nhiệm vụ khác nhau. Chi thể nọ cần đến chi thể kia để bổ túc cho nhau và để nhằm lợi ích cho toàn thân. Và cái dụng cụ Chúa dùng trong việc mở mang Nước Chúa không chỉ tuỳ thuộc vào cái tài khéo, mức độ học vấn, hay địa vị của mỗi người mà thôi, nhưng còn tùy thuộc vào quyền năng của Chúa với sự cộng tác của mỗi người với Chúa.

3. Sống hiệp nhất yêu thương

Tính cách cộng đoàn của lễ Hiện xuống đòi hỏi phải có đức bác ái huynh đệ: Thánh Thần không đến trên từng cá nhân riêng rẽ, nhưng trong một tập thể được nối kết bằng hiệp nhất yêu thương. Nơi nhóm người họp nhau tại căn phòng, Chúa Thánh Thần muốn nối kết thành cộng đoàn hiệp nhất, cộng đoàn này luôn luôn mở rộng ra khắp thế giới mà vẫn luôn giữ được mối hiệp nhất.

Ngày Hiện xuống này chính là ngày thành lập Hội thánh. Thế nên, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ của mình cùng lãnh nhận Thánh Thần ở Giêrusalem bằng một biểu lộ hiệp nhất. Các môn đệ đã thực hiện sự hiệp nhất này qua việc chung sống yêu thương. Sự chung sống yêu thương này khác hẳn thái độ ghen tỵ vẫn thường xảy ra trong đời sống công khai của Đức Giêsu. Đây chính là kiểu mẫu bác ái phải có nơi các Kitô hữu khắp mọi nơi.

Truyện: Tha nhân là chính Chúa

Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn giáo tại chân núi Himalaya. Ông lo âu trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông.

Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân đến từ khắp nơi. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì lèo tèo mấy người. Cuộc sống thật là buồn tẻ.

Vị bề trên hỏi tu sĩ Ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo:

– Các tội đã và đang xảy ra tại cộng đoàn đó là tội vô tình. Và giải thích: Đấng Cứu thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài.

Nhận được câu trả lời giải đáp, vị Bề trên hối hả quay về tu viện. Ông tập họp cộng đoàn lại, và loan báo cho mọi người biết Đấng Cứu thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu thế cải trang vậy? Nhưng có một điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu thế.

Vậy là từ đó, mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu thế. Chẳng bao lâu bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (D. Wahrheit, Món quà Giáng sinh, tr 287).

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

A. DẪN NHẬP

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Theo Tin mừng của Gioan, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay chiều ngày Phục sinh: “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20, 22). Tuy nhiên chúng ta nên tránh xa cảm tưởng có sự xảy ra hai lần việc Thánh Thần được ban cho long trọng lúc ban đầu. Luca và Gioan nói về cùng một việc: Chúa sống lại ban ơn Chúa Thánh Thần và khai mạc sứ mạng của Giáo hội. Sự khác nhau của hai ông về thời điểm là do quan điểm thần học của mỗi ông. Hay nói khác đi, lễ Hiện xuống là ngày Đức Giêsu đặc biệt giới thiệu Giáo hội cho muôn dân muôn nước.

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ hãy ở lại trong thành chờ đợi Chúa Thánh Thần. Vâng lệnh Chúa, 120 môn đệ cùng với Đức Maria tụ họp nhau cầu nguyện trong nhà, có lẽ nhà Tiệc ly. Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông với tiếng gió thổi ào ào và những hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ông. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các ông nói được nhiều thứ tiếng lạ, ai cũng có thể hiểu được và sau đó các ông can đảm đi rao giảng Đức Kitô Phục sinh cho mọi người.

Ngày nay, lễ Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo hội, vì Ngài là Đấng soi sáng, đổi mới, ban bình an và niềm vui cho mọi người. Ngài là hồn sống của Giáo hội. Nếu không có Ngài thì mọi hoạt động trở nên trống rỗng. Ngài cũng vẫn hoạt động trong mỗi người chúng ta với Bảy ơn cả của Ngài để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 2, 1-11

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Vâng theo lời căn dặn của Chúa Phục sinh, ngày lễ Ngũ tuần, các môn đệ tụ họp tại nhà Tiệc ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.

Sáng hôm đó, đang khi các môn đệ cầu nguyện cùng Đức Maria, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông. Mọi người nhận thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống với hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ông. Và sau đó các ông nói được những thứ tiếng lạ, mọi khách hành hương đều thấy họ nói được tiếng bản xứ của mình một cách thành thạo.

Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã nhiệt thành rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Đức Kitô khắp mọi nơi.

+ Bài đọc 2: 1Cr 12, 3b-7.12-13

Thánh Phaolô nhắc nhở cho tín hữu Côrintô một số điều:

– Nguồn gốc mọi đặc sủng là Chúa Thánh Thần. Ngài ban các đặc sủng ấy cho từng người tuỳ nhu cầu, không ai giống ai.

– Tuy nhiên các đặc sủng ấy không phải để phục vụ cho cá nhân, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn.

– Hội thánh được coi như một thân thể, cần phải có sự hợp nhất các chi thể. Vì thế, mọi tín hữu phải tránh sự chia rẽ, để cùng hợp lực xây dựng thân thể Hội thánh.

Bài Tin mừng: Ga 20, 19-23

Theo Gioan làm chứng, việc trao ban sứ mạng và ban Thánh Thần đã xảy ra ngay lần đầu tiên Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày Phục sinh. Như vậy, căn bản mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống đã được biểu lộ trọn vẹn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Luca thì Thánh Thần được ban hôm lễ Ngũ tuần. Theo bài Tin mừng, Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông đồ những ơn:

– Ơn bình an, đặc trưng của thời Messia.

– Ơn tha tội, nhờ đó con người được hưởng niềm vui và bình an.

– Ơn trợ giúp, nhờ đó Giáo hội ra đi để loan báo Tin mừng cứu độ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Thánh Thần biến đổi các môn đệ

I. BỐI CẢNH NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG

Ý nghĩa bài Tin mừng hôm nay

Phụng vụ chọn lựa bài Tin mừng này trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho cả ba năm A, B, C là vì trong bài này thánh sử Gioan đã kể lại việc Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các Tông đồ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Việc ban Thánh Thần biểu lộ ý nghĩa: Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống và hoạt động của các Tông đồ. Vì thế qua việc mừng lễ này Giáo hội muốn cho chúng ta xác tín hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội và đời sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta tha thiết hơn trong việc cảm tạ và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày.

Tại nhà Tiệc ly

Ngày lễ Phục sinh Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20, 21-23). Nhưng ngày lễ Hiện xuống, Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày khai sinh Giáo hội hay ngày giới thiệu Giáo hội cho muôn dân (Cv 2, 1-13). Cũng như qua bí tích Rửa tội, chúng ta nhận Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua bí tích Thêm sức, chúng ta lãnh nhận cách long trọng và dồi dào để trở thành chiến sĩ Chúa Kitô.

Lễ Ngũ tuần là một trong ba đại lễ của người Do thái. Lễ này được mừng 50 ngày sau lễ Vượt qua, là để tạ ơn Chúa vì mùa thu hoạch lúa mì vừa kết thúc và cũng là để kỷ niệm Thiên Chúa ban Lề luật trên núi Sinai.

Trước khi về trời Đức Giêsu đã ra lệnh cho môn đệ đi rao giảng Tin mừng, rồi Ngài thêm: “Nhưng hãy đợi trong thành cho đến khi các con được mặc lấy quyền năng bởi trời”, và 120 người ấy đã hoàn toàn vâng theo. Dầu phần lớn trong số họ không có nhà cửa gì tại thủ đô, nhưng vẫn trung thành họp nhau cầu nguyện để trông chờ ứng nghiệm điều Đức Giêsu đã hứa.

Trong số 120 người tụ họp tại nhà Tiệc ly, có Đức Maria, các Tông đồ và một số người khác. Theo như thánh Phaolô đã kể lại trong thư thứ nhất Côrintô 15, 6 thì 500 người đã cùng được gặp Chúa khi Ngài hiện đến sau Phục sinh, chúng ta không hiểu tại sao họ lại không hiện diện trong dịp họp mặt này. Sách Công vụ Tông đồ cũng ghi đặc điểm của cuộc hội họp này là “Tất cả đều kiên tâm nhất trí cầu nguyện liên tục cùng với Đức Maria”.

Sách Công vụ Tông đồ còn ghi: “Mọi người đang tề tựu tại một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4).

Trong Kinh thánh, lửa cũng được dùng để chỉ về chức vụ của Chúa Thánh Thần. Như gió thổi và làm cho loài người tươi mát thế nào, thì lửa lại tiêu sạch rơm rác hôi thối chung quanh nhà chúng ta, khiến xóm giềng dễ chịu. Chúa Thánh Thần sẽ tác động để đời sống tốt lành của chúng ta toả hương, gây ảnh hưởng tốt, và Chúa đưa tới vinh quang đời sống tốt đẹp của chúng ta.

Tiếng gió động ào ào tượng trưng sức sống thần khí, khi Thiên Chúa dựng nên con người, Thiên Chúa đã thổi hơi vào thẳng người được dựng nên bằng bùn đất. Hơi thở thần khí đã biến bùn đất thành Adong sống động. Từ đó Adong trở thành người đầy sức sống tốt lành và tràn đầy sinh lực hạnh phúc. Luồng gió mới của thần khí nay cũng thổi vào khắp các cơ thể xác thịt của Tông đồ biến đổi các ông thành chi thể mới của Đức Kitô chứa đầy những đặc sủng, để các ông phục vụ nhiều việc khác nhau vì ích chung nhờ Thánh Thần đang hoạt động nơi các ông.

Qua các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chúng ta có thể gọi lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Giáo hội, hay ngày Đức Giêsu giới thiệu Giáo hội cho muôn dân, nhưng đồng thời Chúa cũng cho biết lễ Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động mạnh mẽ bên trong Giáo hội, ví dụ: Công đồng Vatican II là một lễ Hiện xuống mới. Công đồng đã quyết định một cách bất ngờ và đã canh tân Giáo hội cho phù hợp với bước tiến của thế giới ngày nay.

II. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng

Tuy đã ở với Đức Giêsu gần 3 năm trời, các môn đệ cũng chưa hiểu thấu được những lời Ngài dạy, những việc Ngài làm. Chẳng hạn một ngày nọ Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Con người sẽ phải bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết Ngài nhưng ba ngày sau khi chết Ngài sẽ sống lại”. Thánh Marcô liền chú thích thêm: “Nhưng các môn đệ chẳng hiểu điều Ngài muốn nói và họ sợ hãi không dám hỏi Ngài” (Mc 9, 31-32).

Tương tự như thế, sau khi mô tả Đức Giêsu cưỡi lừa tiến vào thành Giêrusalem vào Chúa nhật lễ lá, thánh Gioan nói rằng: “Thoạt tiên các môn đệ Ngài không hiểu được điều này, nhưng sau khi Đức Giêsu được vinh hiển thì họ nhớ lại những điều này đã được viết về Ngài” (Ga 12, 16).

Hoặc dịp khác, có lần Đức Giêsu bảo các nhà cầm quyền ở Giêrusalem: “Hãy tiêu hủy đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Đoạn thánh Gioan chú thích thêm: “Tuy nhiên Đức Giêsu có ý nói về đền thờ thân xác Ngài. Do đó, khi Ngài từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại Ngài đã nói điều này, và nhờ đó họ tin vào Kinh thánh và những lời Đức Giêsu đã nói ra” (Ga 2, 20-22).

Điều gì đã xảy ra cho các môn đệ Đức Giêsu giúp họ thấu hiểu được những điều này? Đó chính là điều Đức Giêsu đã từng nói: “Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho các con mọi sự và sẽ nhắc nhở cho các con mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).

Nói cách khác, điều làm cho các Phúc âm có giá trị dường ấy, là vì chúng đã được viết dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự đến vào dịp lễ Hiện xuống. Chúa Thánh Thần đã ban cho các môn đệ Đức Giêsu sự thấu hiểu mới mẻ về các lời dạy của Đức Giêsu. Chính sự thấu hiểu này đã được các Phúc âm ghi lại.

Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới

Khi được lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã được đổi mới hoàn toàn. Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phêrô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng về Đức Giêsu chịu thương khó và phục sinh. Có 3000 người xin được rửa tội. Giáo hội được khai sinh từ đó vào ngày lễ Ngũ tuần. Thánh Thần đến, Giáo hội khai sinh.

Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông đồ nhỏ, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin mừng phục sinh. Các ngài được trang bị bằng quyền năng Chúa Thánh Thần để bẻ gãy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.

Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một lòng tin vào Chúa. Các ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp, bách hại, Giáo hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo hội do người dân chài Galilê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.

Vậy bí quyết ẩn tàng trong đó và lý do tồn tại của Giáo hội là gì nếu không phải chính là sức mạnh, là quyền năng của Chúa Thánh Thần?

Truyện: Các nữ tu tại Vendée

Các chị dòng tại tu viện Vendée nước Pháp không quên rằng Chúa Thánh Thần là quan trọng. Trong thời kỳ cách mạng Pháp, nhiều linh mục và nữ tu bị giết. Toàn thể các chị ở tu viện Vendée bị kết án lên máy chém. Chị nào cũng hiểu lên máy chém ghê sợ chừng nào, nhưng không một chị nào tỏ ra sợ sệt chút gì hết. Trái lại, đứng sát bên nhau, các chị cất tiếng hát bài thực du dương. Đứng trước cái chết, các chị vẫn ca hát, và bài hát các chị hát là bài thánh ca “Xin Chúa Thánh Thần ngự đến” (Diamond, Đồng cỏ non, tr 93).

Chúa Thánh Thần, Đấng ban bình an

Khi Đức Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, các môn đệ buồn sầu lo lắng, tâm trạng hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông được bình an và niềm vui, không còn sợ sệt gì nữa, nhưng lòng rất thanh thản. Đức Giêsu đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”. Còn một niềm vui nữa là đem bình an và tha thứ cho những người khác: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”.

Nhiều khi chúng ta rơi vào tâm trạng sợ sệt, bất an, mặc cảm tội lỗi. Khi đó chúng ta co cụm lại, rút lui vào nỗi cô đơn của mình và không muốn gặp ai cả. Tình trạng này thật là buồn chán. Phải sống trong tình trạng này thì chẳng khác nào như đã chết. Do đó cần phải có ai đó giúp chúng ta thoát khỏi tâm trạng bất thường ấy. Người ấy là ai? Thưa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng tái tạo những gì suy sụp và hư mất.

Truyện: Nhà biên kịch Henri Ghéon

Henri Ghéon là một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, cũng là một người tội lỗi trong đệ nhị thế chiến, ông ở trong một tâm trạng bất an, đã quay trở lại với Chúa. Ông đến xin lãnh bí tích giải tội và ông đã kể lại tâm trạng của mình lúc xưng tội như sau: “Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác… Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi: “Hãy về Bình an. Thánh Thần đã ngự trong con!” Tôi trẻ lại hai mươi tuổi, hai mươi năm tội lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”…

III. CHÚA THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG TRONG GIÁO HỘI

Phải hiểu biết về Chúa Thánh Thần

Chúng ta có thể nói khi Đức Giêsu lên trời là chấm dứt thời kỳ của Ngài ở trần gian và nhường chỗ cho thời kỳ của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã thực hiện và hoàn tất chương trình cứu độ nhưng Chúa Thánh Thần mới là Đấng ban phát công nghiệp ấy cho chúng ta qua bí tích.

Chúa Thánh Thần vẫn còn tiếp tục những công việc của Đức Giêsu trong Giáo hội, không những Ngài hoạt động một cách chung chung, mà Ngài còn hoạt động trong từng người, soi sáng, thúc đẩy mỗi khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta hành động.

Khi học giáo lý chúng ta học và biết nhiều về Chúa Cha cũng như về Chúa Con. Thế nhưng nếu có ai hỏi chúng ta về Chúa Thánh Thần, về những việc Ngài đã làm cũng như về vai trò của Ngài trong cuộc sống, thì rất có thể chúng ta sẽ trả lời không hơn gì những tín hữu Êphêsô thuở trước. Thực vậy, thánh Phaolô đã hỏi họ: “Các ngươi đã nhận Chúa Thánh Thần chưa?” Và họ đã trả lời: “Chúng tôi chưa hề hay biết có một Chúa Thánh Thần”. Phải, Thánh Thần là Thiên Chúa đã bị quên lãng trong đời sống.

Sách giáo lý đã cho biết: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản tính, cùng một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy. Làm sao chúng ta biết được Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ngôi thứ Ba lại là Chúa Thánh Thần? Sở dĩ chúng ta biết được là vì Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta.

Thực vậy, khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, thì Tin mừng đã ghi nhận: Bấy giờ trời mở ra, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu mà ngự xuống, rồi từ trời có tiếng phán: “Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng”. Hoặc trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ: “Các con hãy đi giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Rất may công đồng Vatican II đã dành cho Chúa Thánh Thần một chỗ quan trọng, khiến chúng ta tìm hiểu vai trò quan trọng của Ngài trong đời sống Giáo hội và trong từng người.

Trong mạch sống Giáo hội, tác động của Chúa Thánh Thần thật vô cùng quan trọng cho Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta. Không những cần cho những thừa tác viên của Giáo hội để chu toàn phận sự, mà còn cần cho mọi người để sống đức tin và bác ái. Mọi cố gắng của Giáo hội và của mỗi người đều cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nếu không sẽ trở nên lố bịch và vô vọng, như Đức Thượng phụ Athenagoras, Giáo chủ Constantinople đã nói: “Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ. Tin mừng chỉ là một mớ chữ không hồn. Giáo hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.

Những ân ban của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta bằng những ân ban của Ngài, mà chúng ta gọi là Bảy ơn cả của Chúa Thánh Thần, với mục đích soi sáng, hướng dẫn và giúp ta nên thánh. Thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu từng ơn của Ngài.

Ơn khôn ngoan là ơn giúp chúng ta nâng cao tâm hồn lên trên mọi sự vật mau qua trên mặt đất, để hướng về những sự không mau qua, những sự vĩnh cửu.

Ơn thông hiểu: như một đèn pha thần thánh, chiếu toả sáng làn chân lý Chúa tỏ ra cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa các chân lý ấy.

Ơn lo liệu: như một địa bàn ơn thần thánh, trong những khó khăn, bối rối trong đời sống. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phải làm gì để vinh danh Chúa và cứu vớt linh hồn chúng ta cũng như anh em chúng ta.

Ơn sức mạnh: nghĩa là can đảm. Chúa Thánh Thần cho chúng ta sự can đảm thiêng liêng cần thiết để giữ luật Chúa và luật của Giáo hội. Tử đạo là điển hình cao nhất của ơn sức mạnh.

Ơn hiểu biết: là giúp ta phán đoán đúng đắn các tạo vật, giúp biết sử dụng kiến thức đúng đắn. Ơn hiểu biết không phải chỉ để thu thập các sự kiện về thế gian, nhưng là đặt chúng ta trong liên quan và trật tự.

Ơn đạo đức: là tình yêu và lòng nhiệt thành của con người đối với Cha mình, là ước muốn của người con mong làm đẹp ý Cha mình. Như một ân huệ của Chúa Thánh Thần, ơn đạo đức giúp ta tôn kính và yêu mến Chúa là Cha chúng ta. Nó giúp ta thi hành những gì đẹp lòng Chúa, yêu giúp đỡ anh em, yêu cầu nguyện và yêu Lời Chúa.

Ơn kính sợ Chúa: là ơn giúp ta sợ làm mất lòng Chúa. Không phải sợ hãi như nô lệ sợ chủ, nhưng sợ làm phiền lòng Đấng yêu thương chúng ta. Đấng chúng ta yêu mến. Như Kinh thánh nói: “Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan” (Arthur Tonne).

Đây là mầu nhiệm của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh chết và đã sống lại. Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên “sự biểu lộ và phương thế” của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. TĐ Deus Caritas est, số 33).

Được quy tụ lại với Mẹ Maria lúc Giáo hội mới được khai sinh, giờ đây Giáo hội cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa”. Amen.

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

THỔI HƠI TRÊN CÁC ÔNG

Khi Thầy Giêsu về với Chúa Cha, ngang qua cuộc Khổ nạn,

Ngài biết các môn đệ sẽ ưu phiền (Ga 16, 6.22),

vì mất đi một sự hiện diện gần gũi với con người của Thầy.

Nhưng Thầy hứa sẽ không để họ mồ côi (Ga 14, 18).

Thầy sẽ sai Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với họ,

để Thánh Thần ở với, ở bên, và ở trong các ông (Ga 14, 16-17).

Chúa Giêsu phục sinh đã giữ đúng lời hứa (Ga 20, 22-23).

Ngài đã hiện ra, thổi hơi trên các môn đệ, và ban Thánh Thần.

Thánh Thần là hơi thở sự sống của Chúa phục sinh.

Thánh Thần là một Ngôi Vị mới mẻ, khác với Thầy Giêsu.

Các môn đệ phải dần dần làm quen với Ngôi Vị này.

Họ đã quen với Thầy Giêsu trong gần ba năm qua,

quen với một Đấng có thân xác, có nhân tính như họ.

Họ đã thấy, nghe, và chạm vào Thầy mình (1 Ga 1, 1-3).

Họ đã thấy tay và cạnh sườn của Thầy sau phục sinh.

Bây giờ họ phải làm quen với một Đấng mới,

Đấng ấy không có thân xác để sờ chạm và ngắm nhìn.

Đấng ấy nói nhưng không nghe được bằng tai thường.

Các môn đệ phải làm quen với một cách hiện diện mới.

Họ từ từ thấy Thánh Thần đang hoạt động giữa họ,

Từ từ nhận ra Thánh Thần là một Ngôi Vị thần linh.

Thánh Thần xuất hiện như một vị Thầy mới,

tiếp tục dạy dỗ họ sau khi Thầy Giêsu về với Chúa Cha.

Thầy Giêsu ra đi khi còn nhiều điều cần nói với môn đệ,

nhưng giờ đây họ không đủ sức lãnh nhận (Ga 16, 12).

Khi Thánh Thần đến, Ngài sẽ dạy họ mọi điều

và làm họ nhớ lại mọi điều Thầy Giêsu đã nói (Ga 14, 26).

Ngài sẽ loan báo những gì là của Thầy Giêsu (Ga 16, 14).

và sẽ dẫn họ vào tất cả sự thật (Ga 16, 13).

Thánh Thần khiêm hạ, vì không tự mình nói gì (Ga 16, 13).

Ngài làm chứng và tôn vinh Chúa Giêsu (Ga 15, 26; 16, 14).

Như Chúa Giêsu đã khiêm hạ trước Chúa Cha,

có thể nói Thánh Thần đã khiêm hạ trước Chúa Giêsu.

Mọi lời nói, việc làm của Thánh Thần đều quy về Chúa Giêsu,

chỉ mong Giêsu được mọi người nhận biết.

Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong Hội Thánh lúc ban sơ.

Sách Công vụ Tông đồ cho ta thấy rõ điều đó.

Thánh Thần là quyền năng Thiên Chúa ban từ trời.

Người ta nhận được nhờ cầu nguyện hay do đặt tay,

nhờ nghe giảng hay chịu phép Rửa (Cv 8, 15.17; 10, 44; 2, 38).

Khi được đầy tràn Thánh Thần

các môn đệ trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu

cùng với Thánh Thần (Cv 1, 8; 5, 32; Ga 15, 26-27).

Nhờ Thánh Thần, họ làm được các dấu lạ (Cv 2, 43),

được ơn nói tiếng lạ và ơn nói tiên tri (Cv 2, 4-11; 19, 6).

Chúa Thánh Thần dần dần không còn xa lạ nữa.

Ngài đúng là Chúa, là Thầy, là Đấng Bảo trợ.

Các tín hữu quen nghe được tiếng chỉ bảo của Ngài.

Ngài đòi dành riêng để sai đi Banaba và Sao-lô (Cv 13, 2.4).

Thánh Thần đã soi sáng cho các tông đồ và kỳ mục

để cùng quyết định trong công nghị ở Giêrusalem (Cv 15, 28).

Hôm nay, Thánh Thần vẫn hiện diện nơi Hội Thánh.

Ngài vẫn ban muôn ơn riêng cho từng chi thể vì ích chung.

Ngài vẫn ban sự sống mới để Hội Thánh luôn luôn mới.

Ngài vẫn quy tụ và hiệp nhất mọi tín hữu bất chấp khác biệt.

Hôm nay, Thánh Thần vẫn cùng đi với Hội Thánh hiệp hành.

Ngài đem đến sự hiệp thông, như thánh Gioan Kim Khẩu nói:

“Kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Độ chính là chi thể của mình.”

Xin cho các Kitô hữu biết mềm mại để đón lấy luồng gió mới

mà Thánh Thần đang thổi trong Hội Thánh,

biết lắng nghe Thánh Thần nơi những người bé nhỏ nhất,

và biết khiêm tốn từ bỏ những định kiến đã bám rễ từ lâu.

LỜI NGUYỆN

Lạy Cha, xin ban cho chúng con Thánh Thần.

Vì không có Thánh Thần,

Cha sẽ là Đấng nghìn trùng xa cách,

Đức Kitô trở thành nhân vật của quá khứ,

Sách Tin Mừng là mớ chữ vô hồn,

Hội Thánh chẳng khác nào một tổ chức trần thế.

Vì không có Thánh Thần của Cha,

quyền uy trở thành sức mạnh thống trị,

truyền giáo trở thành tuyên truyền,

việc phụng tự trở thành một thứ lễ bái,

cách hành xử của kitô hữu thành thứ đạo đức của nô lệ.

Nhưng nếu có Thánh Thần,

vũ trụ này được nâng lên,

những quặn đau để sinh ra Nước Cha mang ý nghĩa,

Đức Kitô phục sinh thật sự hiện diện,

Tin Mừng thành sức sống vô bờ,

Hội Thánh có nghĩa là hiệp thông.

Nếu có Thánh Thần của Cha,

quyền uy của Hội Thánh là khí cụ phục vụ,

truyền giáo trở thành một lễ Hiện Xuống mới,

phụng vụ là một tưởng niệm và là một thực tại,

các hành động của con người mang tính thần linh.

Lạy Cha, xin ban Thánh Thần cho chúng con.

(dựa theo Đức Thượng phụ Athenagoras)

Nguồn: TGP Sài Gòn

BÀI LIÊN QUAN

THÁNG 3 - THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE

GIUSE - ĐẤNG CÔNG CHÍNH

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 05-2023

"Cầu cho các phong trào và các nhóm trong Giáo hội"

 Xin cho các phong trào và các nhóm trong Giáo hội, mỗi ngày tái khám phá sứ mạng loan báo Tin mừng của mình, biết dùng các đặc sủng để phục vụ cho các nhu cầu thế giới.

 

 

 

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 05-2023

"Cầu cho các phong trào và các nhóm trong Giáo hội"

 Xin cho các phong trào và các nhóm trong Giáo hội, mỗi ngày tái khám phá sứ mạng loan báo Tin mừng của mình, biết dùng các đặc sủng để phục vụ cho các nhu cầu thế giới.

 

 

 

- Advertisement -spot_img

BÀI MỚI NHẤT