Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
I. CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Cũng như Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa có liên hệ rất mật thiết với cuộc đời của mỗi người chúng ta
Để chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận mầu nhiệm Phục sinh, Chúa đã thực hiện ba phép lạ:
1/ Cho con gái ông Giarô mới chết được sống lại.
2/ Phục sinh chàng thanh niên con bà góa thành Naim, đã chết, người ta đang khiêng đi chôn,
3/ Cuối cùng là phục sinh Lagiarô, người đã chết và đã chôn trong mộ bốn ngày.
Cũng vậy để chuẩn bị cho các tông đồ và những người tin Chúa đón nhận Mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa đã làm 2 phép lạ thật lớn: Hóa bánh ra nhiều hai lần và cộng thêm vào đó là một bài giảng rất dài và rất quyết liệt về Bánh hằng sống. Chúa nói thật rõ: “Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống – Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời”
Lời Chúa là như thế nhưng tin vào bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu Máu Chúa vẫn còn là một khoảng cách rất dài.
Vào thế kỷ thứ 8 tại Lancianô nước Ý, một linh mục dòng thánh Basiliô đang khi cử hành thánh lễ, sau khi truyền phép xong, bỗng đâm ra nghi ngờ sự hiện diện của Chúa dưới hình bánh ruợu thì lập tức Phép lạ đã xẩy ra ngay trong tay vị linh mục đó: Bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi.
Đây là phép lạ hàng đầu- và có thể coi là phép lạ lớn nhất trong số hơn 40 phép lạ Chúa đã làm trải dài qua dòng thời gian cho đến ngày hôm nay, để củng cố niềm tin của con người trước mầu nhiệm kỳ diệu này.
Phép lạ tại Lucianô còn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay tại nhà thờ Thánh Phanxicô bên Ý. Giáo quyền đã cho phép thực hiện nhiều cuộc giảo nghiệm do giáo quyền cùng làm việc với những người chuyên môn:
Năm 1574 do Đức Cha Rodriguez.
Năm 1637 do Cha Tổng đại diện Giáo phận
Năm 1770 do Đức Cha Cervasone
Năm 1886 do Đức Cha Fetrarco
Và gần đây nhất vào thời đại của chúng ta, do nhu cầu cần phải xác minh thêm một lần nữa, giáo quyền đã cho phép thực hiện một cuộc giảo nghiệm mới, với những phương tiện mới hơn để khẳng định một cách khách quan hơn về tính cách lạ lùng của Phép lạ này.
Được giáo quyền cho phép, ngày 18/11/1970 các cha dòng Phanxicô, những người có trách nhiệm bảo lưu đã trao thánh tích cho một nhóm chuyên viên khoa học để họ làm công việc tế nhị và khó khăn này.
Nhóm này do Giáo sư Odoardo Linoli với sự cộng tác của Giáo sư Ruggero Bartelli thuộc đại học nổi tiếng Siena điều khiển.
Công việc được thực hiện một cách hết sức khoa học và nghiêm túc. Đến ngày 4/3/1971 tại nhà thờ Thánh Phanxicô chính Giáo sư Linoli chủ tọa buổi đúc kết công trình nghiên cứu trước sự hiện diện của giáo quyền, chính quyền, đại biểu giới văn học, y học. Các cuộc phân tích được minh họa bằng một loạt các hình ảnh chụp dưới kính hiển vi.
Sau đây là kết luận của công trình nghiên cứu được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải
1. Thịt này là thịt thật. Máu này đúng là máu thật.
2. Thịt và máu là thịt và máu của con người
3. Thịt và máu đều thuộc cùng nhóm A-B
4. Đồ hình của Máu này giống với đồ hình của máu người được trích lấy từ một cơ thể con người trong một ngày.
5. Thịt được làm thành từ mô cơ tim.
6. Thịt máu hoàn toàn giống với thịt máu củamột người sống thực sự.
7. Không hề tìm thấy dấu vết việc tẩm ướp mô tế bào bởi bất cứ một hóa chất nào được dùng trong kỹ thuật bảo trì bằng tẩm ướp.
8. Miếng thịt này được lấy ra từ phần thịt của trái tim một cách khéo léo tuyệt mỹ như do một nhà phẫu thuật tài ba thực hiện.
9. Hàm lượng các protéin chứa trong máu được phân phối đều đặn theo tỷ lệ y hệt như trong đồ hình protéin huyết thanh của máu tươi bình thường.
10.Trong máu có các chất chlorua, photspho, manhêdi, potassium, sodium và calcium.
11. Việc các di vật thánh này được lưu giữ một cách tự nhiên từ bao thế kỷ, bất chấp ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí. sinh vật… là một hiện tượng không sao giải thích được theo phương diện khoa học.
Như vậy chúng ta có thể nói sau khi được mời gọi để thẩm định, Khoa học đã nói lên tiếng nói khách quan của mình về phép lạ Chúa đã làm tại Lancianô.
II. CHÚA LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ ĐỂ LÀM GÌ ?
a/ Trước hết để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”
Thiên Chúa muốn được gần gũi với con người, tạo vật kỳ diệu nhất trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngay từ trong Cựu Ước, ý muốn đó đã được nói lên:
– Nói lên bằng lời: “Niềm vui của Ta là được ở giữa loài người”.
– Nói lên một cách cụ thể bằng hòm bia thánh.
Sự hiện diện của Chúa trong Cựu Ước cụ thể những chưa đầy đủ và rộng khắp. Hòm bia tuy linh thánh nhưng cũng mới chỉ là dấu chỉ, là biểu tượng. Chúa còn muốn một sự hiện diện trọn vẹn, đầy đủ và rộng khắp hơn. Chính vì thế mà Ngài đã lập ra Bí tích Thánh Thể để – nói theo Cha Teilhard de Chardin – để Chúa có thể hiện diện tràn lan trên khắp địa cầu.
b/ Để tiếp tục bày tỏ cho con người biết là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người và cho con người được sống sự sống của Ngài.
Về điểm này Cha Teilhard de Chardin diễn tả rất hay: “Nhờ hiệu quả của việc Ngài dấn mình vào giữa lòng thế giới mà những dòng nước lớn của vật chất êm đềm có đầy sức sống. Nhìn bề ngoài thì chẳng có gì xao động dưới cuộc biến dạng khôn tả này. Tuy nhiên khi tiếp xúc với Lời Bản thể thì vũ trụ đã trở thành nhục thể Ngài cách kỳ diệu”.
Con người được sống chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Chúa cho con người. Chẳng có gì hạnh phúc hơn. Chẳng có gì kỳ diệu hơn.
c/ Cuối cùng, Chúa ở trong Bí tích Thánh Thể để giúp cho mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau trong Chúa.
Trong cuộc khủng hoàng con tin xẩy ra ở Pêru cách đây mấy năm. Một cuộc khủng hoảng dai dẳng, nghẹt thở kéo dài nhiều tuần lễ, người ta đã hết lời ca tụng một người. Người đó chính là cha Juan Julio Wicht. Ngài được thả vào ngày nhưng ngài tình nguyện ở lại. Việc Ngài ở lại đã làm nức lòng thủ lãnh của quân khủng bố. Ngày 18/4/1965 nhân ngày sinh nhật của Ngài, Nestor Cerpa Carlotini thũ lãnh quân khủng bố có gửi đến Ngài một điện văn như sau: “Mặc dù giữa chúng ta có những khác biệt nhưng chúng tôi muốn gửi đến cha những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của cha cũng như lòng kính trọng của chúng tôi với quyết định ở lại của cha”.
Sau này khi được hỏi về những ngày bị giam giữ, Cha Juan Julio Wicht đã nói: “Các du kích đã không làm gì xúc phạm đến chúng tôi trong lời nói cũng như trong việc làm”
Chính sự hiện diện của Cha đã làm cho mọi người đối xử tốt với nhau hơn.
Chúa Giêsu cũng thế: Cha Teilhard de Chardin nói tiếp: “Bây giờ tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cũng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”. Amen.
Nguồn: TGP Sài Gòn