Ông đã giao cho tôi năm yến,
tôi đã gây lời được năm yến khác đây.
Bài đọc 1: St 2,4b-9.15
Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen để con người canh tác và coi sóc đất đai.
Bài trích sách Sáng thế.
4b Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, 5 chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để cày cấy đất đai. 6 Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất. 7 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. 8 Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.
9 Đức Chúa là Thiên Chúa khiến mọc lên từ đất đai đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. 15 Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.
Đáp ca: Tv 103,1bc và 14a.14b-15.20-21.22-23.24 (Đ. c.1bc)
Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!
1bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,1cChúa muôn trùng cao cả!14aNgài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,
làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng.
Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!
14bTừ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh,15chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,
xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,
nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.
Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!
20Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối,
chốn rừng sâu, muôn thú tung hoành.21Tiếng sư tử gầm lên vang dội,
chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn.
Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!
22Ánh dương lên, chúng bảo nhau về,
tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ.23Đến lượt con người ra đi làm lụng,
những mải mê tới lúc chiều tà.
Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!
24Công trình Ngài, lạy Chúa,
quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!
Bài đọc 2: Cv 20,32-35
Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, chính đôi tay này tự cung cấp lấy.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
32 Khi ấy, ông Phao-lô ngỏ lời cùng các kỳ mục trong cộng đoàn Ê-phê-xô rằng: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.
33 “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. 34 Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. 35 Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.”
Tin mừng: Mt 25,14-30
14 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.
15 Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác.
17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.
18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.
19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách.
20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’
21 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’
22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’
23 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’
24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.
25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!’
26 Ông chủ đáp: ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,
27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!
28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.
29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.
30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Sức khỏe, thời giờ, tài năng, các ơn Chúa ban, đó là những nén vàng nén bạc Chúa trao cho đời ta. Ta hãy sinh lời bằng việc sử dụng những món quà đó cho đẹp lòng Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa đã tín nhiệm con, ban cho con sức khỏe, thời giờ, tài năng, và muôn ngàn ân huệ, như những nén vàng nén bạc. Vốn liếng đó Chúa mong con phát huy thành mối lợi thiêng liêng. Chúa sẽ vui lòng biết bao khi thấy con biết tận dụng thời gian để làm những điều đẹp lòng Chúa. Con biết dùng sức khỏe, khả năng và các ơn Chúa ban, để phục vụ Chúa và giúp đỡ anh em, đó là con biết sống xứng đáng với lòng thương của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa là Chân Thiện Mỹ, Chúa đã chẳng tiếc gì khi chia sẻ điều tốt lành cho con, nhưng với mục đích để con sử dụng các ân huệ ấy mà cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa.
Tuy thế, con biết Chúa ban cho mỗi người những ân huệ và với mức độ khác nhau. Chúa chỉ cần con sử dụng các ân huệ ấy hết khả năng của con. Ai được ban nhiều, Chúa đòi sinh lời nhiều, kẻ được ít, Chúa đòi ít hơn. Xin cho con đừng ghen tương phân bì với số phận anh em con.
Khi con được năm nén, xin đừng để con kiêu căng tự đắc, nhưng xin cho con biết tạ ơn Chúa: tạ ơn bằng cách quảng đại phục vụ chứ không phung phí ơn Chúa. Khi con được hai nén, xin cho con cũng biết quảng đại phục vụ với khả năng nhỏ bé của mình. Và nếu con được Chúa ban một nén, xin đừng để con vì vậy mà lười biếng, tự ti mặc cảm, than trách phận mình và oán than cả Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.
2. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
LÀM ĂN SINH LỜI
Mồng Ba Tết, chúng ta xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.
Chúng ta muốn dâng cho Chúa
những điều chúng ta đang làm ở công ty, ở trường, ở chợ,
ở phòng thí nghiệm, ở sân khấu, ở nhà thương,
hay ở góc tối âm thầm của một căn phòng nhỏ.
Chúng ta muốn dâng cho Chúa
những việc giúp chúng ta đủ ăn, đủ mặc, đủ sống,
những việc làm đem lại lợi ích cho tha nhân,
những việc làm cho trái đất này đẹp hơn, đáng sống hơn.
Tất cả những việc ấy, dù nhỏ bé hay trần tục, tầm thường,
chúng ta xin trao vào tay Chúa,
để chúng trở nên vĩ đại, thánh thiêng, và cao cả.
Ngay từ lúc sáng thế, làm việc không phải là một hình phạt,
nhưng là một đặc quyền Thiên Chúa dành cho con người.
Ngài cho họ được cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo.
Công trình này, tuy tốt đẹp, nhưng vẫn còn dở dang.
Thiên Chúa cố ý để dở dang, và nhờ con người hoàn thiện nó.
“Cho đến nay Cha Tôi vẫn làm việc, và Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
Làm việc là hoạt động của Thiên Chúa hướng về con người.
Làm việc cũng là hoạt động của con người hướng về Thiên Chúa.
Bài Tin mừng hôm nay là một dụ ngôn khá đặc biệt,
vì rất gần với chuyện ngoài đời như làm ăn, đầu tư, sinh lời.
Dụ ngôn kể chuyện một ông chủ phải đi xa,
nên cấp vốn cho các đầy tớ của mình.
Ông tin tưởng họ và dám giao cho họ những số vốn rất lớn,
nhưng không phải ai cũng như nhau.
Người được năm yến, người hai yến, người một yến.
Có sự khác biệt như vậy vì ông biết khả năng của từng người.
Điều ông muốn là các đầy tớ dùng số vốn đó mà kinh doanh.
Hai anh đầy tớ đầu tiên quả xứng đáng với kỳ vọng của ông.
Anh lãnh năm yến đã sinh lợi được năm yến khác.
Anh lãnh hai yến đã sinh lợi được hai yến nữa.
Còn anh thứ ba thì đào lỗ chôn dấu nén bạc của chủ.
Sau một thời gian dài, ông chủ trở về, kêu họ tính sổ.
Hai anh đầy tớ đầu tiên được khen một câu giống hệt nhau:
“Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành,
Được giao ít mà anh trung thành, tôi sẽ giao nhiều cho anh.
Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21.23).
Như thế, người đầy tớ sinh lợi hai yến
cũng được khen thưởng như người sinh lợi năm yến,
vì anh ấy đã cố gắng hết sức với số vốn nhỏ hơn được giao.
Đến lượt anh đầy tớ thứ ba, người được giao một yến.
Anh này coi ông chủ là người hà khắc, bất công,
quen gặt thu ở nơi mình không gieo vãi (Mt 25,24).
Chính vì thế anh sợ, mới đem chôn giấu yến bạc đi.
Anh bị chủ mắng là đầy tớ tồi tệ và biếng nhác,
vì yến bạc còn nguyên, không sinh lợi được chút nào.
Ông chủ có là người hà khắc như anh này nghĩ không ?
Ông có bắt các đầy tớ đầu tư để sinh lợi cho mình không ?
Rõ ràng là không, vì ông đã lấy lại yến bạc của anh cuối,
để đưa cho anh đầu tiên,
anh này hiện đang có mười yến (Mt 25,28).
Ông chủ đi xa là hình ảnh của Đức Giêsu,
chúng ta như đầy tớ chờ Ngài đến vào ngày Quang Lâm.
Trong khi chờ đợi, Ngài đòi chúng ta phải kinh doanh,
với số vốn Ngài ban là các khả năng tự nhiên, siêu nhiên.
Dù vốn nhiều hay ít, Ngài không cho phép chúng ta ngồi yên,
giữ khư khư nén bạc vì sợ mất vốn hay thua lỗ.
Ngài muốn chúng ta mạnh dạn, và đôi khi liều lĩnh
dấn thân vào những công việc mới mẻ, khó khăn.
Ngài không đòi chúng ta phải nộp cho Ngài cả vốn lẫn lời.
Hạnh phúc của Thiên Chúa là thấy chúng ta trưởng thành
nhờ cùng làm việc với Thiên Chúa cho trái đất này,
cho những anh chị em thiếu may mắn.
Cuộc đời của Kitô hữu được ví như chuyện kinh doanh.
Vào ngày tận thế, Chúa sẽ gọi tôi ra sao:
Đầy tớ trung tín tốt lành, hay đầy tớ xấu xa biếng nhác ?
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa
về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.
Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.
Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui
và những ngày tủi thân buồn bã.
Chúc tụng Chúa về cả những gì
Chúa đã không cho con được hưởng.
Lạy Chúa, xin đừng sa thải
người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.
Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,
xin đừng đuổi con xa Chúa.
Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.
Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.
Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,
con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,
để không bao giờ mỏi mệt về con,
và giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.
Xin Chúa đến giúp con,
ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,
cho con biết cậy trông
cả những khi cùng đường tuyệt vọng,
cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,
một chiến thắng huy hoàng nơi con.
Karl Rahner
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
MỒNG BA TẾT TÂN SỬU
THÁNH HOÁ CÔNG VIỆC LÀM ĂN
Trong những ngày đầu xuân, chúng ta vẫn thường chúc nhau: “Năm mới làm ăn thịnh vượng. Con cháu siêng năng ngoan ngoãn…” Điều đó cho thấy người Việt Nam chúng ta rất quý trọng lao động. Trong kho tàng ca dao tục ngữ không thiếu gì những câu đề cao giá trị của lao động như: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”.
Đồng cảm với dân tộc, Giáo hội Việt Nam đã dành riêng ngày Mồng Ba Tết để xin Chúa thánh hoá và chúc lành cho công việc làm ăn trong năm mới, giúp cho người Kitô hữu hiểu rõ giá trị của lao động, lao động trí óc cũng như chân tay.
Đồng thời, nhân dịp đầu năm, Giáo hội còn nhắc nhở cho con cái mình hiểu rằng: lao động không còn là một hình phạt khổ sai, nhưng là một vinh dự vì nhờ lao động, con người được cộng tác với Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn làm việc trong công trình sáng tạo của mình; và cũng góp phần làm cho con người được hạnh phúc.
I. MỌI NGƯỜI PHẢI LÀM VIỆC
1. Thiên Chúa đã và đang làm việc
Thật vậy, ngay từ đầu, Kinh thánh đã cho thấy Thiên Chúa làm việc luôn. Nếu đọc chương I sách Sáng thế, chúng ta biết Thiên Chúa đã hành động để tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và cả con người: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bùn đất nhào nặn thành con người… Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất đai mọc lên mọi thứ cây trồng đẹp mắt, ăn ngon miệng” (x. St 2,7-9). Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để được thông phần vào sự sống của Ngài.
Thiên Chúa không chỉ làm việc trong công trình sáng tạo vào buổi khai thiên lập địa, Ngài vẫn còn tiếp tục quan phòng, gìn giữ những gì Ngài đã sáng tạo. Chính vì thế, sau này Chúa Giêsu đã nói cho người Do thái: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc liên lỉ, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).
2. Tổ tông đã làm việc ở vườn Địa đàng
Nếu đọc kỹ bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên. Xưa nay chúng ta tưởng rằng hai ông bà nguyên tổ trong vườn Địa đàng chỉ ở không và hưởng thụ, không phải làm gì cả. Nhưng sách Sáng thế nói Thiên Chúa cho ông bà ở trong vườn Địa đàng để “canh tác và giữ vườn”. Địa đàng là hình ảnh của hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy con người phải “canh tác” nghĩa là phải làm việc để tạo ra. Và con người cũng cần phải “giữ vườn” nữa, nghĩa là hạnh phúc ấy con người phải gìn giữ thì nó mới tồn tại và con người mới tiếp tục được hưởng nó.
3. Sự làm việc trở nên vất vả
Khi còn ở trong ơn nghĩa với Chúa, tổ tông làm việc trong vườn Địa đàng một cách nhẹ nhàng thảnh thơi, không cảm thấy khó nhọc vất vả. Nhưng ông bà đã nghe lời khuyến dụ của ma quỷ dưới dạng con rắn, không vâng lời Thiên Chúa dám cả gan hái trái cấm mà ăn. Ông bà đã bị Thiên Chúa ra án phạt. Từ đó công việc làm ăn trở nên khó nhọc vất vả, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có của ăn.
Sách Sáng thế còn ghi lời Chúa:
“Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Người đừng ăn’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn cho đến khi trở về bụi đất” (St 3,17-19).
Truyện: Con trâu
Có một câu chuyện huyền thoại về con trâu như sau: Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị thần xuống trần gian mang theo một bao hạt giống và một bao cỏ để gieo xuống trần gian. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo bao hạt giống lúa trước để dân cư có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật. Nhưng khi vị thần này đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mải mê xem mà quên lời dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau. Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết, vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa thì phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn át làm lúa phát triển chậm hơn cỏ.
Bởi lỗi ấy của vị thần, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đẩy vị thần này xuống trần gian hoá thành con trâu, để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên trâu chưa thoát kiếp trở về thiên đường…
Câu chuyện này phải chăng muốn nói với chúng ta: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Vì ở trần gian, cỏ thì nhiều, lúa lại ít. Cây ăn được thì ít, cây không ăn được thì nhiều. Xem ra con người vất vả hơn con vật. Vì người phải làm việc vất vả mới có mà ăn, còn con vật thì không cần làm mà Trời vẫn cho ăn: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” (Tục ngữ).
II. Ý NGHĨA CỦA SỰ LÀM VIỆC
1. Về phương diện tôn giáo
Chúng ta biết rằng ngoài việc tạo dựng, Thiên Chúa còn quan phòng nữa, nghĩa là tiếp tục chăm sóc những loài Ngài đã dựng nên. Và việc chăm sóc này thì Ngài làm không bao giờ nghỉ. Nếu Chúa chỉ buông lơi một phút thôi không chăm sóc chúng ta thì chúng ta sẽ chết liền. Bởi thế, Chúa Giêsu mới nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ”. Ngài còn nói tiếp: “Cho nên Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).
Như vậy, lao động chân tay hay trí óc đều có một ý nghĩa sâu xa. Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Đây là một vinh dự lớn lao cho con người.
Ngoài ra, noi gương Thiên Chúa, chúng ta làm việc không chỉ làm việc vì mình và những người thân của mình, mà còn để phục vụ và giúp đỡ những người khác, nhất là những người khốn khổ như lời thánh Phaolô nói: “Bằng mọi cách, tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế” .
“Lạy Chúa là Cha rất nhân hậu,
Chúa đã giao trái đất cho loài người chúng con
Trông coi và khai thác,
Để ai nấy giúp nhau tiến bộ không ngừng;
Xin dạy cho chúng con biết hoàn thành mọi công việc
Trong tinh thần hiếu thảo đối với Chúa
Và huynh đệ đối với mọi người”.
(Giờ Ba, ngày thứ hai trong tuần)
2. Về phương diện xã hội
Lao động không những giúp chúng ta có của nuôi thân, mà còn giúp làm tăng giá trị nhân phẩm của từng người chúng ta. Nhờ lao động chúng ta phát triển tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái, tính kỷ luật và nhanh nhẹn, như lời một danh nhân đã nói: “Lao động làm ta khuây khỏa được nỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa được bệnh lười biếng” (Giám mục Bossuet).
III. NỖ LỰC RỒI CẬY TRÔNG
Ngày xưa, cha ông chúng ta là những người nhà nông bám chặt vào mảnh đất, chuyên cần làm việc với một tinh thần cao. Quanh năm làm việc với mọi thời tiết khắc nghiệt của bốn mùa, không quản mưa nắng, quanh năm ngày tháng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, không sợ dãi nắng dầm sương. Qua kinh nghiệm làm ăn, các ngài đã khẳng định với con cháu rằng:
“Có cấy có trông, có trồng có ăn”
Các ngài rất khổ tâm với những người làm biếng không chịu làm việc, quanh năm chỉ biết ăn bám. Họ là những người đáng trách, không đáng ăn, suốt đời phải nghèo khổ, không bao giờ ngóc đầu lên được , vì:
“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”.
Các ngài khuyên con cháu phải biết tự lực cánh sinh, phải biết đổ mồ hôi sôi nước mắt ra mới có miếng cơm manh áo, đừng bao giờ ỷ lại vào người khác, những gì của mình làm ra mới có giá trị, mới đáng quý, mới giữ gìn cẩn thận:
Khó nghèo cấy mướn làm thuê,
Lấy công đổi của chớ hề luỵ ai.
Tuy các ngài đã biết làm việc với tất cả sức lực của mình rồi, nhưng các ngài biết rõ con người yếu đuối, sức con người có hạn nên cần có ơn trên phù giúp:
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”
Đó là thái độ khiêm tốn con người cần phải có trước vũ trụ bao la. Con người nhỏ bé giới hạn nên cần phó dâng cho Ông Trời mọi công việc của mình. Hơn nữa niềm tin của tổ tiên còn xác tín về lòng nhân ái của Trời. Trời không phụ lòng người. Trời không bao giờ bỏ quên con người:
Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
Tin tưởng vào quyền năng và lòng thương xót vô biên của Ông Trời, con người cứ vững tâm làm việc không ngơi nghỉ, nhưng đêm ngày vẫn ngước mắt nhìn lên Ông Trời, khấn vái xin ơn trên độ trì để cho được mưa thuận gió hoà, giúp con người có một đời sống ấm no:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp.
Còn đối với chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta phải hoàn toàn phó thác cho Chúa, bởi vì mọi sự phải tùng phục quyền năng của Chúa, con người hoàn toàn bó tay nếu không có ơn trợ giúp của Chúa. Thánh vịnh 127 đã nói lên tư tưởng đó, chúng ta nên nghiền ngẫm để xác tín về điều đó:
Ví như Chúa chẳng xây nhà
Thợ nề vất vả cũng bằng uổng công.
Thành kia mà Chúa không canh giữ
Uổng công người trấn thủ canh đêm.
Bạn có thức khuya dậy sớm
Khó nhọc vất vả cũng hoài công.
Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ
Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng.
(Tv 127,1-2)
Vì thế, Giáo hội dành riêng ngày Mồng Ba Tết cầu xin Chúa thánh hoá ruộng vườn, mùa màng, cây cối và công ăn việc làm, và xin “Chúa gieo màu mỡ ngập tràn lối đi”. Đây cũng là dịp để mọi người đừng nghĩ rằng: của cải là do bàn tay lao động của mình làm ra, còn thành quả khoa học kỹ thuật do khả năng tích lũy bởi bộ óc của con người mà có, nhưng đừng quên rằng: không có gì ngoài sự giúp đỡ và quan phòng của Chúa. Tin như vậy, nên người dân quê mộc mạc với một tâm tình biết ơn đã nói một cách vô tư: “Làm bởi bay và ban bởi Ta”.
Bước sang năm mới, mỗi người sẽ dùng quỹ thời gian của mình để phụng sự Chúa và phục vụ anh em, vì thời gian là của Chúa ban cho con người.
Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những việc chúng ta sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc cực khổ chúng ta sẽ gặp phải khi làm việc với tâm tình ca ngợi tình thương của Chúa vì tất cả đời con là ân huệ Chúa ban. Hãy sống theo lời thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).
Lạy Chúa,
Chúa không ngừng sáng tạo vũ trụ càn khôn,
Và muốn cho con người cộng tác vào công trình của Chúa.
Xin đưa mắt nhìn những công việc chúng con phải làm:
Ước gì những công việc đó vừa nuôi dưỡng chúng con,
Vừa mưu ích cho những người chúng con có trách nhiệm,
Lại vừa làm cho triều đại Chúa mau đến.
(Kinh sáng, thứ ba, tuần III)
Nguồn: TGP Sài Gòn