Ngày 3 tháng 11
Thánh MARTINO DE PORRES
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta tụ họp lại đây để mừng ngày sinh nhật trên trời của một vị thánh đã sống cách xa chúng ta tới 4 thế kỷ nhưng cuộc sống Ngài đã sống lại vẫn còn rất gần gũi với chúng ta.
A- Vài sự kiện đáng lưu ý
Lúc còn sống ở trên đời, vì khiêm nhường Ngài vẫn tự xưng mình là “tên tiểu tốt” hay một “con chó lai”, nhưng từ ngày Ngài qua đời đến nay danh tiếng nhân đức và quyền uy của Ngài càng ngày càng được phổ cập trên khắp bốn bể năm châu. Ngày 8-9-1837 Ngài được Đức Grêgôriô XVI phong lên hàng chân phước. Ngày 10-6-1955 Đức Piô XII đặt Ngài làm bổn mạng các tổ chức Xã hội tại nước Cộng Hòa Péru.
Ngày 6-5-1962 Đức Gioan XXII suy tôn Ngài lên hàng hiển thánh.
Ngày 20-7-1966 Đức Phaolô VI đặt Ngài làm bổn mạng những thợ hớt tóc và uốn tóc tại nước Ý.
Và ngày 25-4-1973 Ngài được đặt làm bổn mạng Hội Liên hiệp các Công đoàn tại Tây Ban Nha.
Trong Lịch sử của Giáo Hội ít có vị thánh nào được nhiều người, nhiều tổ chức nhận làm bổn mạng như thế. Đây là một sự kiện hiếm có trong Giáo Hội và có thể nói là cả trong Lịch sử của Thế giới nữa.
B- Nhưng Ngài là một con người như thế nào mà lại được nhiều người quí chuộng đến như thế?
Chúng ta không có nhiều thời giờ để nói hết về cuộc đời của Ngài, chúng ta chỉ lược qua một ít điểm có tính cách đặc trưng mà thôi.
Ngài được sinh ra vào ngày 9-12-1579 với cái tên Martinô de Porres tại Lima thủ đô nước Cộng Hòa Péru do một cuộc tình duyên lén lút giữa một chàng Hiệp sĩ tên là Don Juan de Porres và một thiếu nữ da đen người Panama tên là Ana Velasquez.
Lúc đầu cuộc tình duyên ấy tưởng sẽ mãi mãi bền chặt nhưng không dè đâu sau khi Ana sinh được người con thứ hai thì Don Juan đã tàn nhẫn bỏ cả ba mẹ con mà ra đi. Lý do ông ra đi là vì ông thấy nước da của con có nhiều phần giống mẹ hơn giống cha.
Từ đó ba mẹ con phải sống một cuộc sống vô cùng cực khổ. Cuộc sống thiếu thốn về mọi mặt, cả tinh thần lẫn vật chất
Rất may Ana là một người đàn bà, một người mẹ biết thương con và lại có tinh thần trách nhiệm cho nên mặc dầu phải sống trong một hoàn cảnh rất khắc nghiệt như thế, bà vẫn để tâm giáo dục các con, cố gắng làm sao để cho các nhân đức được bén rễ vào tâm hồn của các con trước khi những thói hư tật xấu xâm nhập chiếm hữu, làm băng hoại tâm hồn trong trắng của những người con mình.
Năm Martinô lên 8 tuổi Don Juan hối hận – nghỉ lại mối tình cũ, ông chính thức nhìn nhận nhưng đứa trẻ do Ana sinh ra là con của mình. Ông đưa chúng về Santiago de Guagaquil nơi ông công cán phụng mệnh vua Tây Ban Nha. Tại đây Martino được học khai tâm tại trường sơ cấp.
Thế nhưng thời gian này chẳng được bao lâu. Hai năm sau khi ông được đổi đi nhận trọng chức ở Panama, những đứa trẻ bất hạnh lại được trao hoàn về cho người mẹ nghèo khó của chúng.
Về lại Lima, Martino được tiếp tục học văn hóa và học nghề. Nhờ trí thông minh tuyệt vời mà chỉ trong một thời gian ngắn, Martino đã trở thành một người thợ thành thạo như một nhà chuyên nghiệp thời ấy.
Năm 15 tuổi, Martino ao ước được nên trọn lành hơn, nên xin mẹ cho anh được vào tu trong dòng anh em Thuyết giáo. Nhà dòng sẵn sàng đón nhận anh. Sau 7 năm tu luyện Martino được khấn trọng thể trong bậc trợ sĩ tại Tu viện Mân côi ở thành Lima. Từ đó Martino coi Tu viện như một thao trường để anh tập luyện các nhân đức. Martino chu toàn mọi bổn phận một cách mau mắn cho dù nhiều lúc thầy phải làm những việc thật vụn vặt và hèn mọn.
Đây là những nhân đức nổi bất nhất mà thầy đã ra công tập luyện: Đứng đầu là khiêm nhường rồi đến nhẫn nại – hãm mình – vâng lời – đặc biệt là lòng mến Chúa yêu người. Hiếm có một người nào mà lại tập luyện cho mình được nhiều đức tính tốt lành như thế.
Lòng mến Chúa luôn đi đôi với yêu người. Martino coi lòng mến Chúa như động lực thúc đẩy Thầy thực hiện việc yêu người .
Hôm nay trong giới hạn của một buổi lễ tôi xin tạm được bỏ qua không nói về lòng mến Chúa của Martino mà chỉ nói đến tấm lòng nhân ái của Ngài.
Thầy dành tình yêu nhiều hơn cho những người xấu số phải sống trong những hoàn cảnh hẩm hiu về cả vật chất lẫn tinh thần.
a- Đối với những người nghèo khó : Martino dành cho họ nhiều ưu ái hơn:
– Hồi còn nhỏ khi đi chợ gặp những người nghèo ở dọc đường nhiều lần Thầy đã chia sẻ cho họ tất cả những gì mình đang có.
– Suốt 45 năm trời ở trong nhà dòng mỗi ngày Thầy lo cho khoảng 200 người được ăn uống cho đủ sống bằng tiền lao động cũng như quyên góp do những nhà hảo tâm ban tặng.
– Có lần Thầy đã phải bán cả mũ nón quần áo đi để giúp đỡ họ.
– Tu viện mắc nợ, Thầy xin bề trên bán luôn Thầy để trả nợ.
b- Đối với những người bệnh tật.
Phương pháp: cầu nguyện – cho thuốc – đặt tay trên bệnh nhân và phương pháp nào cũng hữu hiệu cả.
– Thầy tận tay săn sóc họ
– Lúc nào Martino cũng mang thuốc trong mình để sẵn sàng ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi bệnh nhân quá đông Thầy sẵn sàng nhường cả phòng riêng của Thầy cho họ.
– Một lần gặp một người bệnh …..
“Lòng từ bi quí hơn sự sạch sẽ bên ngoài- Với một chút thuốc tôi có thể giặt dũ chăn nệm một cách dễ dàng. Nhưng có mất từng suối nước mắt cũng khó mà giặt rửa được những vết nhơ do lòng cứng cỏi để lại trong linh hồn.”
Với những người bệnh trầm trọng, Martino trao họ cho Chúa.
c- Với những người khó tính: Luôn kiên nhẫn chịu đựng: “Hôm nay em được chịu tro trước thứ tư mùa chay. Thân phận của con chó lai đáng như thế”
d- Đối với những người trắc nết và bụi đời: Thầy lập ra các trung tâm.
Đức Gioan XXIII đã nói về việc này như sau: “Về điều này thì ta phải lưu ý rằng: Ngài đã theo những đường lối và kế hoạch mà chúng ta thấy là hoàn toàn mới mẻ đối với thời ấy…việc này như là việc đi tiên phong cho cả thời đại chúng ta hôm nay”
Anh chị em thân mến,
Chúng ta không có nhiều thời gian để nói hết về cuộc đời của con người đặc biệt này.
Chúng ta cứ lướt qua tầm mắt của chúng ta trong những nơi bán ảnh tượng chúng ta sẽ thấy không chỗ nào mà không có hình ảnh của Ngài. Rồi bao nhiêu chỗ bao nhiêu nơi bàn thờ của Ngài lúc nào cũng tràn đầy hoa nến khói hương …chúng thay cho lòng người để nói lên lòng biết ơn với những gì họ đã nhận được qua sự bầu cử đẹp lòng Chúa của Ngài trên trời.
Hình ảnh của Ngài đã trở thành thân thương nơi bao cõi lòng của con người. Có nhiều người không biết tên thật của Ngài nhưng vẫn gọi được tên mà ai cũng hiểu: “Ông Thánh đen” Vâng “Ông Thánh đen” mới thân thương làm sao. Ông thánh đen mới huyền nhiệm làm sao. Nhờ Ông mà loài người bớt được bao lầm than đau khổ. Chúng con xin Chúa cho loài người chúng con hôm nay có được nhiều người giống như ông thánh đen như thế. Amen.
Thánh Máctinô Porres, vị thầy dòng của tình bác ái, người đi xuyên tường
TGPSG / Aleteia — Là con của một người nô lệ, thầy dòng Đa Minh Máctinô Porres thực hành bác ái với những ơn huệ phi phàm mà Chúa đã ban cho ngài không giới hạn, nhưng ngài lại không muốn nói về chúng.
Chúng ta đang ở Lima, xứ Pêru, đầu thế kỷ thứ 17. Từ vài tháng nay, tu viện Đa Minh đang đau đầu vì những khó khăn tài chánh rối tinh rối mù và lại bị một trong những chủ nợ khắc nghiệt của nhà dòng đòi nợ ráo riết đến mức không cho khất nợ; cha tu viện trưởng, không còn cách nào xoay sở, đành phải nghĩ đến việc bán đấu giá một vài báu vật của nhà dòng.
Tuy nhiên, ngay lúc cuộc đấu giá bắt đầu, một trong những tu sĩ dòng Ba Đaminh chạy đến và từ xa đã la lên: “Cha ơi, dừng lại đi! Con biết nhà dòng phải trả nợ, nhưng nhờ ơn Chúa, cha vẫn có cách khác để trả hết nợ mà! Con chỉ là một đứa da đen khốn khổ thôi, con thuộc một Dòng tu đã đối xử tốt với con trong lúc con lại thật vô tích sự đối với nhà dòng! Vậy hãy bán con đi! Xin ban cho con ân huệ đó, con xin cha đấy, và có thể sẽ có người bắt con làm những việc mà lẽ ra con đã phải làm!”
Chào đời cách khác thường
Lời yêu cầu trên đây thật kỳ lạ, phải công nhận điều đó, nhưng quả thật người đưa ra lời yêu cầu đó cũng kỳ lạ không kém. Thầy Máctinô Porrès, mà sau lưng thầy mọi người gọi lén là “thầy Máctinô Bác Ái”, một nhà thần bí đầy ơn thiêng phi phàm, như có phép thần thông có thể làm nhiều phép lạ không tưởng mà bản thân thầy cũng không ngờ, vậy mà chỉ có ngài mới nghĩ rằng mình vô tích sự đối với các truyền nhân của thánh Đa Minh, trong lúc ở Pêru và toàn cõi châu Mỹ latinh, ngài là ánh sáng rạng ngời nhất của họ… Nhưng đúng ra thì vị tu sĩ trẻ này mang hai cái “khiếm khuyết”, theo cách nhìn của xã hội thời đó, là da màu và chào đời cách khác thường…
Máctinô chào đời ngày 9-12-1579, từ mối quan hệ giữa Don Juan de Porrès, một sĩ quan quý tộc Tây Ban Nha, và Anna Velasquez, một nữ nô lệ da đen đã được giải phóng gốc Panama. Chuyện này thì không có gì lạ vì, nhiều người đàn ông thời đó, không thể có hôn ước đúng phép tắc với một thiếu nữ có cùng địa vị xã hội – một điều hiếm hoi ở xứ thuộc địa, họ bèn lấy phụ nữ da màu như thê thiếp, mà đôi khi vì lòng tốt được họ giải phóng khỏi kiếp nô lệ, như trường hợp của Anna, nhưng có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc kết hôn với những phụ nữ da màu ấy và sẵn sàng rũ bỏ những phụ nữ này không thương tiếc. Martinô mới chỉ là một cậu bé và em gái cậu cũng mới chỉ là bé gái sơ sinh khi người cha cho rằng thật đáng xấu hổ mới phải lộ diện ngoài xã hội với những đứa con da quá sậm và tóc quá quăn theo gu của ông… Ông biến mất, để lại người bạn đồng chăn gối với những đứa con không một nguồn sống!
Quyền năng chữa bệnh gây choáng
Đối với Máctinô, vết thương ấy vẫn còn như mới, đã kéo cậu về với thân phận là con của nô lệ, là món hàng mà người ta có thể bán hoặc đổi chác tùy ý. Chẳng hề chua chát, cậu còn tìm thấy ở đó sự khiêm cung mà một ngày kia sẽ biến thành nét thánh thiện rạng ngời. Cậu đau khổ vì bị cha bỏ rơi, vì những lo toan của mẹ, vì sự nghèo khổ, vì thân phận nhục nhã của gia đình, nhưng thay vì chăm chăm vào những bất hạnh của mình, cậu hướng về người khổ đau hơn mình để cứu giúp họ, trước sự thất vọng của mẹ, vì cậu cứ làm như cậu có điều kiện để làm điều đó.
Những người già neo đơn, những nô lệ bị bỏ rơi vì không còn làm việc được, những người bệnh, trẻ em đường phố, người khuyết tật và cả thú vật nữa, đều thu hút lòng trắc ẩn của cậu bé này. Lòng trắc ẩn đôi khi, như một số người đã nhận ra, mang lại những kết quả gây choáng và những quyền năng chữa bệnh… Cậu đã tìm thấy điều đó ở đâu? Ở thời gian mà cậu bỏ ra để cầu nguyện nơi khắp các nhà thờ trong thành phố, quỳ trước thánh giá, mặt đối mặt với Chúa Kitô khổ nạn, điều đã khiến cậu rơi lệ xót thương…
Được anh cung cấp, một chén nước hương thảo đun sôi cũng trở nên một thang thuốc nhiệm mầu và những vết thương anh băng bó lúc nào cũng khỏi…
Khi cậu 12 tuổi thì cha cậu, hối hận vì gặp người quen nói rằng con ông quả thật là không giống những trẻ khác và ông phải xấu hổ khi bỏ rơi một đứa con như vậy, ông mới trả tiền cho cậu con học hai năm tiểu học rồi giúp cậu vào làm thợ học việc tại nhà một ông phó cạo kiêm giải phẫu viên – một nghề mà Máctinô sẽ rất rành rẽ – ẩn đàng sau những loại thuốc xoa là những phép lạ mà anh thực hiện. Dưới tay anh, một chén nước hương thảo đun sôi tầm thường sẽ trở nên một phương thuốc nhiệm mầu và những vết thương anh băng bó lúc nào cũng lành…
Đi xuyên qua tường
Ở tuổi 15, anh xin vào làm tu sĩ dòng ba Đa Minh, vì anh nghĩ làm thầy cần vụ vẫn còn quá tốt so với anh, rồi trở thành y tá, một công việc mà anh cống hiến ngày đêm, quên mình vì người bệnh, ngủ rất ít. Rất mau chóng, các thầy đang được chăm sóc ở phòng y tế khám phá ra một điều hết sức lạ lùng. Trong lúc cửa phòng đóng kín, chỉ cần họ cảm thấy đau hay cần cái gì đó mà nghĩ đến Máctinô, ước gì anh ở đó, thì y như rằng anh đã ở bên giường bệnh với một ly nước hay lọai thuốc cần thiết.
Càng khó hiểu hơn khi chẳng có ai nhìn thấy anh ra hay vào, bất kể họ canh chừng gắt gao cỡ nào. Phải nhìn nhận đúng rằng thầy Máctinô đã đi xuyên qua tường… Hơn thế nữa, anh còn có khả năng phân thân ra hai nơi, nghĩa là có thể có mặt bằng xương bằng thịt ở hai nơi cùng một lúc, quá lạ thường. Anh không khoe khoang điều đó, nhưng thực tế đôi khi vượt khỏi tầm hiểu biết của anh.
Một ngày nọ, anh đề nghị cho một bệnh nhân một loại thuốc chẳng ai ở Pêru biết đến; khi bệnh nhân tỏ vẻ ngạc nhiên anh thốt lên: “Đừng lo! Thuốc hiệu nghiệm lắm! Tôi thấy người ta uống thuốc này hoài ở bệnh viện Bayonne!” Vậy mà thầy y tá này chưa bao giờ ra khỏi Lima hay đặt chân tới nước Pháp, hay bất cứ nơi nào khác. Điều đó không ngăn được anh nói một cách sành sõi về những tập tục bên Tàu, như kiểu anh đã từng là nhà truyền giáo ở đó; những tu sĩ Đa Minh – từng thăm viếng những Kitô hữu bị bắt ở Alger trở về – đã phải thừa nhận rằng anh chính là vị tu sĩ bí ẩn đã từng hết lòng chăm sóc những người khốn khổ ở đó; và một thương nhân bạn của anh, đang bệnh nặng ở Mêhicô, nhìn thấy một thầy dòng có phép thần thông đi vào phòng ông đem theo những loại thuốc cần thiết cho ông…
Công trạng quy về Chúa
Quả thực, với bất cứ ai cần giúp đỡ, dù là con chó, con lừa, con chuột, thầy Máctinô đều có mặt, sẵn lòng cứu giúp, một cách hiệu quả, để lại trên đường thầy đi qua những điều kỳ diệu khiến người ta hết sức ngỡ ngàng. Một hôm, thầy đang dẫn những tu sinh mới vào dòng đi dạo, thì thấy trễ giờ, sắp tới giờ kinh Mân côi ở tu viện mà họ còn ở xa quá không thể về kịp! Không hề bối rối, Máctinô nhìn những tu sinh trẻ đang hốt hoảng và nói với họ: “Hãy nắm tay nhau và nắm tay tôi, rồi đi cùng tôi nhé!”
Tại vụ án phong chân phước, các chàng trai ấy ra làm chứng, mà vẫn còn chưng hửng không hiểu tại sao, chỉ trong tích tắc, họ đã về đến tu viện mà lại ở phía trong cửa vì cửa đã được khóa chắc chắn… Những điều kỳ diệu, những phép lạ, những kỳ công, quả là đầy dẫy trong cuộc đời của Martinô, nhưng đó lại là chuyện khác. Khi còn sống, anh không muốn nghe người ta nhắc đến, để cho thấy rằng những công trạng ấy đều đến từ Chúa và chỉ thuộc về Chúa mà thôi. Sau khi anh chết thì lại là chuyện khác!
Những kỳ công của Chúa
Máctinô qua đời tại Lima ngày 3-11-1639, trong những hoàn cảnh và ngày tháng mà ngài đã báo trước. Năm 1664, Đức Tổng Giám mục Lima yêu cầu mở vụ án phong thánh. Di hài của Máctinô vẫn nguyên vẹn, vẫn chảy máu nếu chích vào; còn những vụ chữa lành nhờ ơn ngài thì hàng hà sa số. Quy trình phong thánh đòi hỏi phải thu nhặt nhiều chứng cứ của những người từng biết người tôi tớ Chúa. Trong số những người này có thầy Juan Vasquez, từng có 4 năm làm phụ tá cho Máctinô và cũng đã từng đi Tây Ban Nha. Đáp lại lời yêu cầu của bề trên, thầy đã trả lời những câu hỏi về đức hạnh và đặc sủng của bạn mình, nhưng rất dè dặt, đúng như yêu cầu của Máctinô trước đây.
Quá dè dặt… Khi trở về tu viện, thầy Juan nghe một tu sĩ gọi tên mình; khi lại gần, thầy sững lại, không tin vào mắt mình. “Thầy không nhận ra tôi sao? Sao thầy lại quá e dè khi nói về cuộc đời của tôi như thế? Thầy quay lại đó đi và nói tất cả những gì thầy biết về tôi và tất cả những gì thầy thấy về tôi! Nói tất cả nhé!” Thế mà mãi đến năm 1671, thầy Juan sau một lần gặp gỡ nữa với Martinô và bị ngài trách móc đã không nghe lời ngài, mới nói tất cả, quả vậy… nói tất cả! “Giấu bí mật của vua thì tốt đấy, nhưng loan báo những kỳ công của Chúa thì sẽ tốt hơn nhiều…”