Ngày 11 tháng 4
THÁNH STANISLAO, (ST. STANISLAUS)
GIÁM MỤC TỬ ĐẠO
I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Thánh Stanislaô sinh năm 1030, gần thành phố Cracow, nước Ba Lan. Để sinh hạ Stanislaô, song thân ngài đã phải liên lỉ cầu nguyện suốt ba mươi năm trời. Lúc Stanislaô chào đời, song thân đã khấn dâng ngài cho Thiên Chúa vì họ rất biết ơn có được mụn con. Khi lớn lên, Stanislaô sang học ở Paris, nước Pháp. Sau khi song thân qua đời, Stanislaô đem cho người nghèo tất cả tiền bạc và của cải mà song thân để lại cho ngài. Sau đó, Stanislaô làm linh mục.
Năm 1072, Stanislaô được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Cracow. (Sau này, trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II cũng là Giám mục của Giáo phận Cracow này.) Giám mục Stanislaô chiếm được tình cảm của mọi người. Họ hết sức cảm kích trước cách thức ngài quan tâm chăm sóc những người nghèo, những quả phụ và các trẻ mồ côi. Chính Stanislaô thường hay tiếp đãi phục vụ họ.
Lúc ấy, Bôlêlô II làm vua nước Ba Lan. Nhà vua là người rất độc ác và sống vô luân. Dân chúng chán ghét lối sống của vua và ghê sợ nhà vua. Thoạt đầu, Giám mục Stanislaô sửa lỗi cho nhà vua cách tư riêng. Tuy Stanislaô rất tử tế và lịch duyệt, nhưng ngài cũng nhận định hết sức trung thực về việc làm sai trái của nhà vua. Vua có vẻ hối hận nhưng chẳng bao lâu lại chứng nào lại tật nấy. Thậm chí vua đã sai phạm những tội còn quái ác hơn! Chính vì thế mà Giám mục đành phải loại vua ra khỏi Giáo hội. Vua Bôlêlô liền nổi cơn thịnh nộ. Để trả thù, nhà vua truyền lệnh cho hai trong số những cận vệ của mình đến giết hại thánh Stanislaô. Họ đã cố gắng đến ba lần nhưng đều thất bại. Rồi chính nhà vua, trong một cơn cuồng giận, đã chạy vào nguyện đường của thánh Giám mục. Vua đã giết chết thánh Stanislaô khi ngài đang dâng thánh lễ. Hôm đó là ngày 11 tháng Tư năm 1079.
Chưa đã thỏa lòng giận dữ , ông còn chặt xác ngài thành ra thành nhiều khúc rồi vứt ra ngoài đồng cho chim trời rúc rỉa. Nhưng bốn ngày sau, trên trời chỉ có bốn cánh phượng hoàng bay lượn ngăn cản tất cả không cho bất cứ con vật nào xâm phạm tới các thánh
Bấy giờ vua Bôlêlô mới tỉnh ngộ và hối lỗi. Ông cho tổ chức lễ an táng thánh Stanislaô rất trọng thể. Xác thánh được liền lại như mới qua đời vì bệnh tật và được chôn cất tại nhà thờ Chính tòa Krakow.
Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ sau khi thánh Stanislaô qua đời. Mọi người đều gọi Stanislaô là vị thánh tử đạo. Năm 1253, Đức Thánh Cha Innôcentê IV đã tôn Stanislaô lên bậc hiển thánh.
II. BÀI HỌC.
Bài học chúng ta có thể học nơi thánh Stanislaô là lòng can đảm khi phải đương đầu với những khó khăn theo sứ mạng của mình.
Nếu thánh Gioan Tẩy Giả ngày xưa đã vì sứ mạng mà dám công khai lên án việc làm sai trái của vua Hêrôđê để rồi phải nhận lấy cái chết đau khổ trong ngục tù thì thánh Stanislaô chúng ta mừng kính hôm nay cũng vậy. Vì là Giám Mục nên ngài có bổn phận phải bảo vệ và gìn giữ sự trong sáng và thánh thiện của Giáo hội. Chính vì thế mà ngài không thể làm ngơ trước những việc làm tồi tệ của vua Bôlêlô lúc đó. Mặc dù ngài biết hậu quả của việc ngài phải làm sẽ như thế nào. Lịch sử còn ghi lại: Giám mục Stanislaô đã phải nhận lấy cái chết còn đau khổ hơn nhiều, Thế nhưng đó là cái chết vì bổn phận, vì sứ mạng tông đồ của Chúa Giêsu đúng như lời Chúa đã nói tiên tri thuở trước.”Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy” (Mt 24, 9).
Quả thực thánh Stanislaô đã đạt tới vinh quang bằng con đường mà ai trong chúng ta cũng có thể noi theo. Đó là con đường nên thánh bằng cách chu toàn bổn phận Chúa trao phó. Mỗi người chúng ta sinh ra vào đời đều được Chúa trao cho một sứ mệnh phải hoàn thành. Hoàn thành được sứ mạng Chúa trao tức là chúng ta đã làm trọn thánh ý Chúa. Và đó chính là con đường nên thánh hoàn hảo nhật.
Làm bất cứ bổn phận nào cũng có thể nên thánh
*Tác giá ĐHV nói:”Việc nhỏ, lòng nhỏ; việc lớn; lòng lớn; việc lớn, lòng nhỏ; việc nhỏ, lòng lớn. Con hãy thực hành cách sau hết: Trung tín trong việc lớn; để trung tín trong việc nhỏ, khó. Chúa khen kẻ thực hành cách sau này. (ĐHV 807)
* Không có công việc nào hèn hạ chỉ có tâm hồn hèn hạ. (ĐHV 811)
Thánh Bonaventura (1221-1274) trước khi làm Hồng Y coi sóc Giáo phận, đã làm Bề Trên Cả điều khiển Dòng Phanxicô. Ngài có tiếng là rất thông minh xuất chúng, viết nên nhiều tác phẩm lừng danh, trong đó có cuốn (Commentaire sur les quatres livres des sentences) và nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị.
Một hôm, thầy nấu bếp xin gặp ngài với nét mặt thật thê lương ảm đạm, thầy trình bày:
– Thưa cha, mấy lâu nay con buồn quá nhưng vẫn cứ ấp ủ mãi trong lòng. Đến hôm nay, con mới bạo dạn xin phép gặp cha để nhờ cha giải quyết nỗi lo âu cho con.
– Cha sẵn sàng giúp con, con cứ tự nhiên trình bày mọi chuyện.
– Thưa cha, con trộm nghĩ: thông thái thời danh như cha thì thật là hạnh phúc. Vì nhờ đó cha có thể yêu mến Chúa, phụng sự Chúa, và sau lên thiên đàng dễ dàng hơn, ngồi gần Chúa hơn! … Nghĩ lại phận con là một tên đầu bếp rất hèn, con cảm thấy quá buồn tủi! Không biết rồi đây có được lên thiên đàng không, thấy được sự vinh hiển Chúa không, có gần gũi Chúa như cha được không!
– Ồ, con đừng nghĩ thế! Chúa chẳng bao giờ đòi hỏi sự thông thái thời danh cả. Chúa chỉ sợ con không mến Chúa trong các công việc bổn phận tầm thường hằng ngày của con thôi?
– Vậy dốt như con cũng có thể yêu mến Chúa như cha Bề Trên Cả sao?
– Đúng thế!
– Mấy bà ngoại chợ cũng thế à?
– Dĩ nhiên rồi! Miễn là mấy bà dâng cho Chúa mọi công việc!
Nghe đến đây thầy đầu bếp chẳng còn đè nén được niềm phấn khởi. Không kịp chào Bề Trên Cả, thầy vội chạy ra khỏi phòng, leo lên thành, nhảy xuống đường, chạy đến phố chợ và la lên: “Anh chị em ơi! Các bà bán hàng ngoài chợ ơi! Tôi báo cho anh chị em một tin rất vui mừng, anh chị em có thể nên thánh bằng cha Bề Trên Cả của chúng tôi được”.
Thầy vừa chạy vừa la lớn tiếng như điên, quanh cả phố chợ. Người ta thật khó mà nhận ra thầy vì thầy chạy quá nhanh, nhưng giọng nói của thầy thì ai cũng nghe: “Cứ làm bổn phận tầm thường vì mến Chúa thì sẽ nên thánh cả. Chính cha Bonaventura mới cho tôi biết! mừng quá? Vui quá!’
Nguồn: TGP Sài Gòn