BÀI ĐỌC I (năm I): Gn 1, 1 – 2, 1. 11
“Ông Giona chỗi dậy lánh xa mặt Chúa”.
Khởi đầu sách Tiên tri Giona.
Có lời phán cùng Giona, con trai ông Amathi, rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy đi sang Ninivê, một thành rộng lớn, và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến Ta”.
Giona liền chỗi dậy để trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa; ông đi xuống Gioppê, gặp tàu đi sang Tharsê, ông liền mua vé, xuống tàu đi với hành khách sang Tharsê, lánh xa mặt Chúa.
Nhưng Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển và cơn bão táp dữ dội nổi lên, khiến tàu lâm nguy sắp chìm. Các thuỷ thủ lo sợ, hành khách cầu khẩn cùng thần minh của mình. Người ta vứt đồ vật trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt, lúc đó ông Giona xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt. Thuyền trưởng đến gần ông và hỏi rằng: “Sao ông ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn cùng Thiên Chúa của ông, may ra Thiên Chúa đoái đến chúng ta và chúng ta khỏi chết”.
Ai nấy đều bảo đồng bạn mình rằng: “Các anh hãy lại đây, chúng ta bắt thăm coi biết tại sao chúng ta gặp phải tai hoạ này”. Rồi họ bắt thăm, thì trúng phải ông Giona. Họ bảo ông rằng: “Xin ông cho chúng tôi biết vì cớ nào chúng ta gặp phải tai hoạ này: Ông làm nghề gì? Ở nơi nào? Ði đâu? Hoặc thuộc dân nào?” Ông trả lời họ rằng: “Tôi là người Do-thái, tôi kính sợ Thiên Chúa là Chúa Trời, Ðấng tạo thành biển khơi và lục địa”.
Họ khiếp sợ quá sức và hỏi ông rằng: “Sao ông hành động thế này? (Vì theo lời ông thố lộ, các hành khách biết ông trốn lánh mặt Chúa). Họ liền hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải đối xử với ông làm sao đây, để biển yên lặng? vì biển càng động mạnh thêm”. Ông bảo họ rằng: “Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển, thì biển sẽ yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao này”.
Các thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển càng động dữ dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa vì mạng sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên chúng tôi, vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn”. Rồi họ bắt vứt ông Giona xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế lễ dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa.
Chúa chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Gn 2, 2. 3. 4. 5. 8
Ðáp: Lạy Chúa, Ngài đã đưa con lên khỏi huyệt để con được sống.
Xướng: 3Từ cảnh ngặt nghèo, tôi kêu lên Đức Chúa,
Người đã thương đáp lời.
Lạy Chúa, từ lòng âm phủ, con cầu cứu,
Ngài đã nghe tiếng con.
Xướng: 4Ngài đã ném con vào vực sâu, giữa lòng biển,
làn nước mênh mông vây bọc con,
sóng cồn theo nước cuốn,
Ngài để cho tràn ngập thân này.
Xướng: 5Con đã nói : “Con bị đuổi đi khuất mắt Chúa rồi !
Nhưng con vẫn hướng nhìn về thánh điện của Chúa.”
Xướng: 8Khi mạng sống con hầu tàn,
con đã nhớ đến Đức Chúa
và lời cầu nguyện của con đã tới Ngài,
tới đền thánh của Ngài.
Tin mừng: Lc 10, 25-37
Ai là người thân cận của tôi ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27 Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Mến Chúa yêu người: đó là con đường đưa loài người đến sự sống đời đời. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu chính là mẫu gương sống luật yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trên thế giới hôm nay có rất nhiều người đang đau khổ. Họ là những gia đình li tán, những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người đang quằn quại trong cơn đói, những chiến binh gục ngã nơi chiến trường, những kẻ thất nghiệp bơ vơ không nhà cửa, và chung quanh con không thiếu những người đang mỏi mòn chờ đợi con yêu thương giúp đỡ. Thế mà con vẫn tự hỏi: Ai là người anh em mà tôi phải thương mến ?
Lạy Chúa, rất nhiều lần con đã có thái độ ích kỷ như thầy tư tế và thầy Lê-vi trong câu chuyện dụ ngôn, con cố tình làm ngơ hoặc dửng dưng trước những nỗi đau của tha nhân. Con sợ người ta quấy rầy cho dù con biết rõ những nhu cầu cần thiết của họ. Con không quan tâm đến những người nghèo khổ, những bệnh nhân, những người gặp hoạn nạn, vì con sợ mất thời giờ và hao tốn tiền của. Và như thế, lạy Chúa, con đã không sống luật yêu thương của Chúa.
Xin cho con biết bắt chước người Sa-ma-ri nhân hậu biết yêu thương tha nhân bằng tình yêu không tính toán và không biên giới. Xin hãy canh tân tâm hồn con. Xin Chúa mở rộng tầm nhìn và đôi bàn tay của con, để con nhận biết mọi người là anh em để con yêu thương phục vụ họ.
Và xin cho con biết chấp nhận những phiền hà khi giúp đỡ anh em, chấp nhận những mất mát khi cho đi chính con người và tiền bạc của con. Lạy Chúa, xin Chúa giúp sức để con thực hiện trọn vẹn giới luật yêu thương của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Ai là anh em của tôi?”
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
1. “Ai là người thân cận của tôi ?”. Câu hỏi này của vị Luật sĩ phản ảnh phần nào chiều hướng của ông:
– Ông muốn tìm một câu định nghĩa về “người thân cận”. Người do thái thời đó hiểu “người thân cận” chỉ là những đồng bào do thái với mình.
– Ông muốn nghe một câu trả lời có tính lý thuyết.
2. Dụ ngôn người Samari phản ảnh chiều hướng của Chúa Giêsu:
– Định nghĩa về “người thân cận” không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận (câu 37)
– Người thân cận là bất cứ ai (không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm…). Hình như hai nhân vật chính trong dụ ngôn này một người là do thái một người là Samari.
– Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ (câu 36)
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. “Sống ở đời, ai ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng. Sống ở đời, ai ai mà không cần tới tình yêu. Nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, lại chỉ vỏn vẹn trong một khung cảnh gia đình hay trong một lũy tre xanh chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiều nguồn vui thật” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
2. “Bác ái là thẻ thông hành có giá trị nhất để vào Nước Trời”. “Bác ái đích thực không tra vấn, không đặt câu hỏi” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
3. Trong thế chiến vừa qua, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang oằn oại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng, người sĩ quan Anh tự nhủ: “Mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy! “Thế là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thương binh trên vai và đưa sang phần đất mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận chiến tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra khỏi chiến hào, tháo chiếc thánh giá bạc đeo trước ngực và gắn cho người sĩ quan Anh.
Lòng nhân hậu
Một hôm, Thầy Antôn dẫn Thầy Amôna ra khỏi chòi tu và chỉ vào tảng đá giữa hoang địa mà nói:
– Thầy hãy mắng tảng đá và đập cho nó đi.
Thầy Amôna làm theo. Lúc đó Thầy Antôn hỏi:
– Tảng đá có nói gì không ?
Thầy Amôna đáp là không.
Thầy Antôn nói:
– Thầy cũng vậy, thầy sẽ đạt tới mức độ này.
Điều đó xảy ra thật như thế. Thầy Amôna càng tiến bộ, lòng nhân hậu của Thầy càng tăng trưởng tới mức thầy không biết tới sự ác độc, dữ dằn là gì nữa. Về sau, khi thầy lên chức Giám Mục, một lần các tu sĩ trong miền dẫn tới Đức Giám Mục một thiếu nữ mang bầu và Ngài ra hình phạt. Nhưng Đức Cha đã vẽ hình thánh giá lên bụng cô gái, rồi ra lệnh ban cho cô sáu tấm ra bằng lanh mịn và nói:
– Sợ rằng khi cô ta sanh con, cô ta hay đứa con có thể chết, mà không có gì tẩm liệm chăng ?
Nhưng những kẻ tố cáo lại nói:
– Tại sao Đức Cha làm như thế ? Xin ra cho nó một hình phạt.
Ngài ôn tồn bảo:
– Xin anh em coi, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi còn phải làm gì hơn nữa ?
Nói thế rồi Ngài cho cô ta về. Từ đấy, không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Ai là người thân cận của tôi (Lc 10,25-37)
- Người Do thái vẫn biết giới luật cao trọng hơn hết là “Mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình”. Mến Chúa thì sẽ hiểu, còn yêu tha nhân thì họ khó hiểu, vì họ có cái nhìn thiển cận và hẹp hòi về những người ngoài dân tộc Do thái. Chính vì vậy, một người thông luật đã đến hỏi thử Chúa Giêsu xem ai là người thân cận của ông và ông xin Chúa cho một câu định nghĩa. Nhưng thay vì lý thuyết suông, Ngài đã đưa ra dụ ngôn người Samaritanô nhân lành để cho ông một bài học.
- Đối với luật sĩ và biệt phái thì luật mến Chúa thì quá rõ, ai cũng biết vì nó có ở trong kinh Schema mà người Do thái đọc hằng ngày; nhưng còn luật yêu người thì họ còn mù mờ: “Thế nào là yêu người thân cận như chính minh ? Người thân cận là ai ?” Chính vì vậy mà một người thông luật đến chất vấn Đức Giêsu xem người thân cận là ai ? Đức Giêsu không trả lời bằng lý thuyết suông có thể gây tranh luận, Ngài dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, để nói cho người thông luật biết rằng: người thân cận không phải chỉ là người Do thái, mà là bất cứ ai không phân biệt chủng tộc, giai cấp, màu da hoặc tín ngưỡng đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
- Ngày nay chúng ta hay nói: “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn bể là anh em, nhưng người Do thái không chấp nhận quan niệm này. Luật của người Do thái đã giới hạn sự giao tiếp giữa người Do thái với những người không phải là Do thái. Theo luật của họ, người thân cận được định nghĩa là “những người con trai của xứ sở bạn”. Do đấy, chỉ có những người Do thái mới là hàng xóm, là thân cận của mình.
Đức Giêsu chủ trương ngược lại: người anh em của tôi, người thân cận của tôi là bất cứ ai tôi chọn để trở nên người anh em, người thân cận. Như vậy, không biết ai là người anh em của mình nữa, mà điều quan trọng là tìm cách để trở nên người anh em, người gần gũi với bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ.
- Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện: (1) sẵn lòng giúp đỡ; (2) biết xót xa trước đau khổ và (3) biết vui mừng trước hạnh phúc của người khác; cuối cùng (4) biết tha thứ. Chúa Giêsu đưa ra nhân vật Samaritanô như một điển hình về tình yêu đích thực đó. “Chạnh lòng thương” trước tình cảnh khốn khổ cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy tư tế và thầy Lêvi với những bận rộn của mình – mà ai lại không có những việc bận rộn cơ chứ ? – ông Samaritanô này sẵn sàng gác lại công việc của mình, và dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người Samaritanô. Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể: “Hãy đi và làm như vậy” (5 phút Lời Chúa).
- Nhà văn Mark Twain nói: “Từ ngữ ‘mưa’ sẽ chẳng nói lên điều gì nếu như bạn chưa một lần đi trong mưa hoặc tiếp xúc với nó ? ‘Tình yêu’ cũng chẳng là gì, nếu như bạn chưa bao giờ kinh nghiệm về nó”. Người thông luật biết rất rõ hai giới răn quan trọng là mến Chúa và yêu người. Nhưng theo Đức Giêsu, để được sự sống đời đời, ông phải thực hành điều ông vừa nói. Ông sẽ không biết ‘mến Chúa yêu người’ thực sự, nếu không hiện thực hoá hai điều răn này trong suy nghĩ, lời nói và hành động của ông. Ai cũng cần có tình yêu để được sống hạnh phúc. Thế nhưng, tình yêu không phải là một khái niệm chỉ để nói suông. Tình yêu đòi hỏi chia sẻ, cảm thông, hy sinh và gắn bó với một đối tượng cụ thể. Tình yêu mời gọi mỗi người biết trao tặng một lời nói chân thành, một nụ cười khích lệ, hoặc một việc bác ái (Học viện Đa Minh).
- Một cách tổng quát, chúng ta có thể thực hiện lòng yêu Chúa và tha nhân như sau:
- Mến yêu Chúa: Muốn mến yêu Chúa, chúng ta có muôn vàn cách để yêu mến Ngài nhưng những cách biểu lộ ấy có tính cách chủ quan, mỗi người một cách, nhưng theo Tin mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đã nhấn mạnh lại điều kiện tiên quyết để biết ai là người mến Chúa, đó là “Thực thi Lời Chúa, sống theo giới răn của Chúa”.
- Yêu tha nhân: Muốn yêu tha nhân cho xứng đáng, hãy sống theo khuôn vàng thước ngọc này: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12). Hay nói ngắn gọn hơn: “Ngươi hãy yêu thân cận ngươi như chính mình”(Mc 12,30). Yêu mình thế nào, thì phải yêu người như vậy. Tất nhiên mình luôn luôn muốn cho mình được những điều tốt lành, hạnh phúc và lợi ích. Không ai muốn mình bị xấu xa, khổ cực, tại hoạ; vậy yêu người cũng phải làm cho người như vậy.
- Truyện: Đi tìm chén thánh
Có một câu chuyện huyền thoại về “một người Samaritanô tốt lành” có tên là Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong bữa Tiệc ly. Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra đi. Chàng tìm mãi chẳng thấy chén thánh đâu! Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa sau cuộc hành trình tìm kiếm thật gian khổ. Còn người cùi vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại trong cuộc đời. Ăn xong, họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của người cùi đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giêsu và tô nước hoá nên chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong bữa tiệc ly. Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra đi. Chàng tìm mãi chẳng thấy chén thánh đâu!
Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa sau cuộc hành trình tìm kiếm thật gian khổ. Còn người cùi vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại của anh. Ăn xong, họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của người cùi đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giêsu và tô nước hoá nên chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.
Suy niệm
Tình yêu mà Chúa Giêsu nói đến có hai chiều kích: Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em. Việc tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa có lẽ chẳng ai thắc mắc. Còn chiều kích yêu mến với anh em thì Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng khi mạc khải một tình yêu không biên giới nơi tha nhân bằng dụ ngôn người Samaria nhân hậu (x. Lc 10,30-35).
Do những nguyên nhân về lịch sử và thực hành tôn giáo, người Samaria và người Do Thái không ưa nhau, quan hệ giữa hai miền này rất căng thẳng đến nỗi họ không thể nói chuyện với nhau. Qua thời gian, sự căng thẳng này dẫn đến việc người Do Thái không được giao thiệp với người Samaria và ngược lại như luật của họ. Cho nên, Tin Mừng Gioan kể lại các môn đệ của Chúa rất ngạc nhiên khi Chúa nói chuyện với người phụ nữ Samaria. Sự ngạc nhiên này cũng thể hiện nơi người phụ nữ Samaria khi Chúa Giêsu xin chị nước uống, chị bối rối và trả lời: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao ?”. Gioan đã khẳng định: “Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samaria” (x. Ga 4,1-42).
Trong dụ ngôn Chúa Giêsu trình bày, người Samaria đã vượt qua ranh giới chủng tộc mà con người đã tự tạo ra để ngăn cách tình anh em, xé rào những bất đồng để đến cứu nguy người anh em Do Thái bị cướp, đánh đập nguy hiểm đến tính mạng. Chúa Giêsu cũng kêu gọi người anh em Do Thái cũng hãy đáp lễ, xé rào hận thù, xóa bỏ ngăn cách của chủng tộc để đến với tha nhân mà bước đầu tiên là anh em Samaria bên cạnh. Trước đó, Chúa Giêsu đã xé rào bằng tinh thần đối thoại qua việc Chúa đã trao đổi với người phụ nữ Samaria, một hình ảnh tối kị trong quan hệ Do Thái – Samaria.
Yêu thương anh em và anh em chính là tha nhân, bất cứ người nào ngoài ta, “Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10,28) như Chúa Giêsu đã truyền. Hãy thi hành một tình yêu không biên giới đối với tất cả mọi người dù là người thân cận hay có thù oán. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương mọi người, kể cả những người không hợp với mình và thù ghét mình (Mt 5,44).
Tình yêu mới: “Yêu không biên giới”, là cơ bản trước mọi hành động của đời sống người Kitô hữu như thánh Âugustinô nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Tình yêu sẽ cho ta biết ta phải làm gì. Không tình yêu, mọi hành động đều vô nghĩa. Thánh Phaolô nói rất rõ: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3). Tình yêu không biên giới dành cho tha nhân là dấu chứng cho tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, nếu có biên giới, tình yêu với Thiên Chúa là giả dối, như thánh Gioan Tông đồ có viết: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).
“Tôi phải làm gì để được sống đời đời”, đó cũng là điều luôn thao thức trong tâm hồn tôi tâm hồn bạn. Tiếng vang vọng lại trong cõi lòng: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37): Làm như người Samaria nhân hậu, dám phá tan cái rào cản thù hiềm của ngăn cách chủng tộc, màu da, ngôn ngữ để giúp người anh em trong lúc khốn cùng cần có người giúp đỡ. Làm như người Samaria là thiệt thòi về thời gian, công sức, tiền của để cứu người anh em xa lạ có hiềm khích.
Ý lực sống
“Tình yêu này là lời ca, lời ca đánh thức tôi.
Lời ca dạy tôi những gì tôi đã học,
chỉ cho tôi những nẻo đường bí mật
và những vì sao nơi chân trời của trái tim tôi”.
(Tagore, Lời dâng).