Bài đọc 1 Rm 5,12.15b.17-19.20b-21
Nếu chỉ vì một người mà sự chết đã thống trị, thì những ai được ban ân sủng dồi dào sẽ được sống và được thống trị.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
12 Thưa anh em, vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.
15b Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. 17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.
18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. 19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.
20b Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. 21 Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Đáp ca Tv 39,7-8a.8b-9.10.17 (Đ. x. c.8a và 9a)
Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.
7Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con ;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,8acon liền thưa : Này con xin đến !
Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.
8bTrong sách có lời chép về con9rằng : con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.
Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.
10Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội ;
lạy Chúa, Ngài từng biết :
con đâu có ngậm miệng làm thinh.
Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.
17Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài !
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng : “Đức Chúa vĩ đại thay !”
Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.
Tung hô Tin Mừng Lc 21,36
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức đứng vững trước mặt Con Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Lc 12,35-38
Thật là phúc cho những đầy tớ khi chủ về mà thấy đang tỉnh thức.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
35 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Tỉnh thức đón chờ Chúa đến là chu toàn bổn phận đối với những người và những công việc đã được trao phó. Thưởng hay phạt đều theo đó mà định đoạt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi người trong chúng con đều là tôi tớ của Chúa, được Chúa trao phó cho một số công việc để chu toàn.
Con muốn sống cho bản thân mình, muốn xây dựng cuộc sống và lo lắng cho tương lai của mình. Nhưng Lời Chúa hôm nay còn cho con hiểu rằng: con thuộc về Chúa và là tôi tớ của Chúa, nên Chúa muốn con đảm nhận công việc mà Chúa trao cho. Chúa đã trao cho con công việc để thực hiện, và con có sứ mệnh hoàn tất công việc ấy. Nếu con ốm đau, bệnh tật của con có thể phục vụ Chúa. Nếu con đau khổ, nỗi đau của con có thể phụng sự Chúa.
Việc của người đầy tớ có lẽ không có gì là lớn lao, to tát. Điều mà người đầy tớ thực hiện chỉ vì đó là do chủ muốn như vậy. Con muốn phục vụ Chúa trong kẻ khác, tại gia đình con, tại trường học, tại nơi làm việc, ở chợ búa.
Sống cho kẻ khác, phục vụ kẻ khác trong những chuyện lớn lao, có lẽ không được dành cho con, nhưng còn nhiều việc nhỏ bé hằng ngày: một lời an ủi, một giúp đỡ nhỏ, một sự cảm thông …, những điều ấy ở trong tầm tay và khả năng của con.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức con là tôi tớ của Chúa. Xin giúp con sống cho Chúa và thực thi Ý Chúa, để con sống cho kẻ khác, giúp đỡ và yêu thương mọi người. Amen.
Ghi nhớ: “Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Đoạn Tin Mừng này gồm 2 dụ ngôn nhỏ:
1. Dụ ngôn chủ nhà tỉnh thức (39-40): Dụ ngôn này không so sánh Thiên Chúa với tên trộm, mà so sánh việc Thiên Chúa đến và tên trộm đến cũng bất ngờ như nhau. Vì bất ngờ nên phải tỉnh thức. Ý chính là tỉnh thức.
2. Dụ ngôn quản gia trung thành (41-48): dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Luca dùng hay dùng danh từ ”quản lý” để chỉ những kẻ lãnh đạo (x. 16,1.3.8). Người lãnh đạo được Thiên Chúa giao coi sóc giáo đoàn phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa Quang lâm. Khi đó người đó sẽ được trọng thưởng. Trái lại nếu nghĩ rằng Chúa chậm Quang lâm để rồi lạm dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống lu bù) và ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái) thì khi đến Ngày Quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chúc vụ càng cao thì hình phạt càng nặng. Ý chính là trung thành trong nhiệm vụ được giao.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.
2. Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).
3. ”Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40)
Con mưa chiều 28-7 đã làm cho cây me cổ thụ trước nhà số 100A đường Nguyễn thị Minh Khai, quận 1 tróc gốc ngã đè ba xe gắn máy. Em Hà chí Thanh, 17 tuổi, học sinh, nhà ở số 444/20 đường cách mạng tháng 8 quận 3, đi xe Kawasaki Neo Max chết ngay tại chỗ. Bảy người khác bị thương phải chở đi cấp cứu. Theo kỹ sư Phạm Thanh Sơn. phó giám đốc Công ty Công viên cây xanh thành phố, cây me trên đã được tỉa cành, ngọn, đã khống chế chiều cao và… đã có giấy phép đốn hạ vào ngày 29-7-96. Trước tình trạng cây cổ thụ ngã hàng loạt trong mùa mưa có gió mạnh này, ông Sơn cho biết công ty sẽ huy động toàn lực lượng nhanh chóng đốn hạ khoảng 80 cây cổ thụ đã có giấy phép xin đốn bỏ. Em Thanh đâu có ngờ, chiều hôm ấy mình là nạn nhân. Ông Sơn đâu có ngờ, cây đổ trước một ngày có giấy phép đốn hạ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sẵn sàng để có thể lên đường với Chúa, khi Người đi ngang qua đời con và cất tiếng gọi mời. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Hãy trung thành với nhiệm vụ (Lc 12,32-48)
- Sau khi dạy dân chúng về việc phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ giờ Chúa đến, Đức Giêsu quay sang dạy các môn đệ về tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng. Đức Giêsu lại dùng một dụ ngôn khác dạy về bổn phận những người có trách nhiệm trong Hội thánh. Mỗi người chúng ta, tùy theo công việc và địa vị đều có trách nhiệm phải chu toàn những bổn phận Chúa trao. Như đầy tớ trung thành với chủ, họ biết chăm sóc và bảo vệ tài sản của chủ mình, chúng ta cũng có bổn phận phải xây dựng và bảo vệ Hội thánh, để chuẩn bị đón Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.
- Trong bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa, Đức Giêsu nhắc lại việc phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Ngài sẽ đến trong ngày Quang lâm và ngày sau hết của đời mỗi người.
Đại tướng Marc Arthur sau đệ nhị thế chiến, với tư cách của một tướng lãnh già dặn kinh nghiệm trong binh pháp, có nói: “Lịch sử của những thảm bại trong chiến tranh có thể tóm gọn trong hai chữ: ‘Quá muộn’”. Quá muộn vì chưa sẵn sàng. Quá muộn vì chưa chuẩn bị đủ. Có lẽ vị tướng này đã từng nghiền ngẫm câu nói của một danh tướng thời La Mã xưa để làm cẩm nang cho việc điều hành chiến tranh: “Si vis pacem, para bellum”: nếu muốn được bình yên phải chuẩn bị chiến tranh.
Và thời xưa người Trung Hoa đã từng có tư tưởng như vậy: “Bình thời luyện vũ, loạn thế độc thư”: Thời bình thì phải lo luyện võ, thời loạn thì phải lo đọc sách. Nói như vậy là người ta khuyến cáo họ, lúc bình yên thì đừng ngồi không đấy mà hưởng thụ, mà phải luyện võ, phải chuẩn bị cho chiến tranh, để khi chiến tranh xảy đến thì đã sẵn sàng, đã chuẩn bị để đối phó với mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra.
- Dụ ngôn thứ hai hôm nay nói về “một người quản lý trung thành” (Lc 12,41-48). Dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Theo Luca thì người lãnh đạo là một người được Chúa trao cho việc coi, hay nói theo từ ngữ mà Luca thích dùng đó là người “quản lý” giáo đoàn (Lc 16,1.3.8). Vì được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ lãnh đạo cho nên người đó phải “trung thành” phục vụ mọi người cho tới khi Chúa quang lâm. Nếu trung thành sẽ được trọng thưởng. Trái lại, nếu nghĩ rằng: Chúa chậm quang lâm, rồi lợi dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống lu bù) và ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái), thì khi đến ngày Chúa quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chức vụ càng cao thì hình phạt càng nặng.
- Chúng ta còn trẻ hay đã già, khỏe mạnh hay đau yếu, điều đó không quan trọng, nhưng quan trọng ở chỗ là chúng ta đang sống thế nào ? Đang thức hay ngủ mê ? Có biết chu toàn nhiệm vụ được trao phó không ?
Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: “Không biết hôm nay có phải là tận thế không: nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).
- Chúng ta nên lưu ý: đừng bao giờ nghĩ mình còn trẻ, còn khoẻ mạnh, còn lâu mới chết, vì không thiếu gì trường hợp: “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời”. Quả thực, không ai biết trước về ngày giờ chết của mình, không ai phỏng đoán được tuổi nào mình sẽ từ biệt cõi đời. Đó là quyền phép trong tay Chúa, vì thế, Chúa bảo chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Hơn nữa, Chúa còn bảo chúng ta phải luôn khôn khéo sử dụng các ơn lành Chúa ban. Chúng ta là những người quản lý được Chúa trao vốn, người nhiều người ít. Nhiều hay ít không quan trọng, nhưng phải biết trung tín và khôn ngoan, để thi hành đúng ý chủ là làm lợi ra với số vốn đó. Bởi vì chúng ta sẽ phải trả lời và tính sổ với Chúa khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.
- Truyện: Người quản gia trung thanh
Vào năm 1981, tờ Nữu Ước Thời báo, là nhật báo nổi tiếng Hoa Kỳ có đề nghị rằng: chính phủ Hoa Kỳ nên trả lương hưu trí và gắn huy chương cho ông cụ người Trung Hoa 73 tuổi. Ông cụ không phải là một nhà chính trị, quân sự, kinh tế hay là một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy, mà chỉ là một người lao công, làm việc cho một lãnh sự quán Hoa Kỳ tại một thị trấn nhỏ ở Trung Hoa.
Khi Hoa Kỳ cắt đứt liên lạc ngoại giao với Trung Hoa, lãnh sự quán này bị đóng cửa và trong suốt 35 năm, ông cụ mỗi ngày vẫn đến quét sân vườn và lau sàn nhà một lần.
Tờ Nữu Ước Thời báo viết: “Một người thiếu trung tín chắc chắn sẽ lập luận rằng: Thôi, cần chi quét là cây mỗi ngày cho mệt, có ai biết đâu ? Lá cây đâu có biết nói mà sợ ? Nhưng ông cụ này trung tín làm bổn phận suốt 35 năm, mặc dù không nhận được lương và không có ai kiểm soát”.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tại Thụy Sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn… ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn.
Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp màu sắc… câu chuyện đi đến chỗ thân tình.
Du khách hỏi: “Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi ?”
– Khoảng 40 năm rồi.
– Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà ?
– Ông ta không có ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi.
– Ông có thư từ gì với cụ không ?
– Không, ông ta bận lắm.
– Ông ta không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ ?
– Hằng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu vườn này.
– Thế tội gì ông phải săn sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu ?
– Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chứ lúc nào ông chủ về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên.
Suy niệm
Tiếp tục giáo lý tỉnh thức, Chúa Giêsu nhấn mạnh tỉnh thức như người đầy tớ trung thành với chủ, biết chăm sóc và bảo vệ tài sản của chủ mình. Thái độ của người đầy tớ trung tín gợi cho chúng ta hãy luôn mang tinh thần thức tỉnh trong cuộc sống. Tỉnh thức có nghĩa là ý thức mình không “say mê”, hay không để mình say trước những phù du hão huyền, đưa mình phụ thuộc thậm chí làm nô lệ với những thực tại trần thế: Vật chất danh vọng làm xa rời Thiên Chúa, hay say trong bát đồ trận của cảm xúc, của ý nghĩ chủ quan. Tỉnh thức là không “say” nhưng ý thức với cuộc sống với công việc mà trong sâu thẳm của trái tim, tôi và bạn tin rằng chính Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta thực hiện, nên gắn bó hết lòng: Đó là tư thế sẵn sàng, thắt đai và cầm đèn sáng trong tay chờ chủ về. Thức tỉnh là biết mình đang làm gì trong đời đến nỗi vừa làm việc, vừa có thể nghe được hơi thở và nhịp đập của trái tim yêu thương và tinh thần phục vụ của mình như nhà thơ Tagore chia sẻ tâm tình: “Tôi thức tỉnh và tôi sống, một cuộc sống chỉ phục vụ, tôi phục vụ và tôi hiểu rằng phục vụ là niềm vui”. Chính vì phục vụ và niềm vui cuộc sống này làm nên bao điều kỳ diệu cho mình và cho người bên cạnh. Như nhà Phật có dạy: “Phải sống tỉnh thức, an trú trong giờ phút hiện tại để thấy giá trị cuộc sống và những điều mầu nhiệm đang xảy ra với mình”.
Thức tỉnh không chỉ là ý niệm thiêng liêng là chờ đợi ở đời sau, là cuộc sống ở trên trời nhưng tinh thần thức tỉnh bắt đầu từ hôm nay, từ những cơ bản tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày, có thể nói chính tinh thần thức tỉnh xuyên suốt đời sống tự nhiên đến siêu nhiên đã bắc cầu xuyên suốt giữa hai con đường của hai thế giới thành một “con đường Thiên ý cho con người”.
Cho nên, sự thức tỉnh là lựa chọn định hướng cuộc sống mà mỗi người làm trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận hôm nay trong hiện tại với cuộc sống chúng ta đang hiện diện và hơn nữa với cuộc sống vĩnh hằng của mình sau này.
Ý lực sống
“Hôm nay bạn chưa sẵn sàng thì đến mai bạn sẵn sàng thế nào được ? Mà ngày mai có gì là chắc. Bạn có chắc được bạn sẽ sống đến ngày mai không ?” (Sách Gương Phúc).