“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”.
(Lc 21,18)
BÀI ĐỌC I (năm II): Kh 15, 1-4
“Hãy xướng ca bài ca vãn Môsê và ca vãn Con Chiên”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan đã nhìn thấy điềm lạ vĩ đại và huyền diệu khác trên trời, là bảy thiên thần cai bảy tai ương sau hết, những tai ương này làm cho Thiên Chúa hết cơn thịnh nộ.
Và tôi đã thấy như biển thuỷ tinh chan hoà ánh lửa và những kẻ đã thắng được mãnh thú và hình tượng cùng số tên của nó, đều đứng trên biển thuỷ tinh gảy đàn cầm ngợi khen Thiên Chúa, và xướng bài ca vãn Môsê tôi tớ Chúa, cùng bài ca vãn Con Chiên rằng:
“Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa thật vĩ đại và lạ lùng. Lạy Chúa là vua hằng có đời đời, đường lối của Chúa thật công minh, chính trực. Lạy Chúa, ai lại không kính sợ Chúa và không ngợi khen danh Chúa? Vì chỉ có mình Chúa là Ðấng nhân lành: mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, bởi vì sự xét xử của Chúa đã tỏ bày minh bạch”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 7-8. 9
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa thật là vĩ đại và lạ lùng (Kh 15, 3b).
Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh, Người nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.
Xướng: Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót.
Xướng: Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh và cai quản chư dân trong đường chính trực.
12 “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.
14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.
16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.
17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thử thách, gian nguy, khốn khó đều là những cơ hội thuận tiện để sống đời nhân chứng đức tin. Chúa sẽ nâng đỡ, bảo vệ người Kitô hữu. Nếu kiên trì, ta sẽ chiến thắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ngày nay lòng thủy chung đang bị người ta xóa dần đi. Người ta ly dị nhau vì không muốn cùng chia sẻ với nhau một giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Người ta xa dần với Đạo vì cho rằng Đạo gò bó họ suốt đời.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở con về lòng chung thủy đối với Chúa, về sự tín trung trong đời sống đức tin. Đời sống nào cũng vậy, có những lúc thật khó khăn hiểm nghèo, nhưng những hoàn cảnh ấy có thể làm nổi bật một nét sáng ngời nào đó. Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Đời sống đức tin của con cũng vậy. Những hoàn cảnh khó khăn chính là dịp để con làm chứng, để con tỏ bày đức tin, tỏ bày con người thật của con.
Lạy Chúa, có thể lúc này đây niềm tin của con chưa gặp những khó nguy. Nhưng con biết rằng lúc này con phải củng cố niềm tin của mình, làm cho niềm tin của mình lớn lên, bền vững, để khi gặp khó khăn, chính niềm tin và ơn Chúa sẽ nâng đỡ con, sẽ giúp con chống chọi với những giông tố bên ngoài.
Xin cho con biết chuẩn bị ngay từ bây giờ để con có thể trở nên chứng nhân của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Trong văn mạch diễn từ chung luận, Chúa Giêsu báo trước cho môn đệ mình biết rằng có một thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Rồi Ngài dạy họ phải sống thế nào trong thời kỳ đó:
– câu 13: hãy coi những khốn khó đó là dịp để ta làm chứng cho Chúa.
– câu 14-15: đừng sợ phải bào chữa thế nào, vì Ngài sẽ ban cho họ sự khôn ngoan mà kẻ thù không thể nào thắng được.
– câu 16-18: đừng sợ khi bị bắt bớ và thù ghét, vì vẫn có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh éo le đó.
– câu 19: phải kiên trì.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Câu 13: gian nan khốn khổ là những cơ hội để anh em làm chứng Những cha mẹ giàu cho con cái rất nhiều tiền nhưng chúng vẫn không tin rằng cha mẹ thương chúng, bởi vì chúng chưa có “bằng chứng” về sự tận tụy cực khổ của cha mẹ. Bởi thế, Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết để chứng tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương họ. Cũng vì thế, các tông đồ rất vui mừng khi bị bách hại, vì đó là dịp để họ chứng tỏ tấm lòng của họ đối với Chúa.
2. Trong Tin Mừng có nhiều “lời hứa” rất đáng sợ: “Chúng con sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp”; “Họ sẽ giết một số người trong chúng con”; “Vì danh Thầy, chúng con sẽ bị mọi người thù ghét” v.v. Tại sao thế ? Bởi vì đó chính là con đường mà người môn đệ phải đi: “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34); và đó cũng chính là hạnh phúc thật của người môn đệ Chúa “Phúc cho ai bị bắt bớ vì sự công chính” (Mt 5,10).
3. Có lúc nào đó chúng ta thử chậm rãi đọc lại những lời thấm thía trong kinh cầu các thánh tử đạo Việt Nam:
“Là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô
Là thành phần trung kiên của Hội Thánh
Xưa Chúa đã ban cho các Ngài
được vững tin vào Lời Chúa,
và đầy sức mạnh của Thánh Thần,
nên các Ngài đã cam lòng chịu gian lao đau khổ,
quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường thập giá
và hy sinh đến giọt máu cuối cùng
Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin”.
4. Kiên trì trong nhiệm vụ: Nhiệm vụ của đồng hồ là mỗi giây phải kêu lên một tiếng tích tắc. Một chiếc đồng hồ trẻ vừa sinh ra từ một hãng chế tạo được đưa về đặt trong phòng khách một gia đình. Cậu bé làm bài toán về những tiếng tích tắc mình phát ra: mỗi phút 60 giây, mỗi giờ 60 phút, mỗi ngày 24 giờ, mỗi tháng 30 ngày, mỗi năm 12 tháng. Cậu rùng mình sợ hãi vì không biết mình phải làm nhiệm vụ bao nhiêu năm. Thấy thế cụ đồng hồ già đứng ở xó nhà lên tiếng an ủi: Cháu ơ đừng quá lo sợ như thế. Bác đã làm công việc này suốt ba thế hệ rồi. Kinh nghiệm của bác là chỉ cần để í mỗi giây phát ra một tiếng thôi” (Bruno Hagspiel)
5. “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19)
Một chàng thanh niên nọ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ. Nhờ tình thương của ông bà cụ, anh thoát chết. Được sự nuôi nấng của gia đình, theo thời gian, anh lớn lên, rồi trở thành một ngư phủ. Hằng ngày anh ra khơi đánh cá về giúp cha mẹ nuôi. Cuộc sống tưởng êm đẹp, nào ngờ một hôm tai họa ập đến, anh bị thương trầm trọng do tai nạn thuyền gây ra. Mặc dù đã bán hết tài sản để chữa chạy nhưng anh vẫn không khỏi bệnh. Bố mẹ anh “gạt nước mắt” làm một cái chòi ở đầu đường rồi đặt anh vào đó để anh được sống nhờ lòng thương xót của khách qua đường. Do không được săn sóc, người anh mọc đầy ghẻ lở. Bệnh tật ngày một tăng, cơ thể hao mòn, cuộc đời như đã mất.
Nhưng rồi Thiên Chúa lại mỉm cười với anh. Với những lời động viên, an ủi, khuyến khích của bố mẹ nuôi mới, anh đã cố gắng kiên nhẫn tập luyện: mỗi ngày 1 giờ, rồi 2 giờ, 3 giờ và cứ thế. Bây giờ trong anh bừng lên một niềm vui sung sướng, hạnh phúc: Tôi sẽ bình phục.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa luôn ở với con, gìn giữ con và nâng đỡ con. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Những cuộc bách hại (Lc 21,12-19)
- Sau khi loan báo những tai hoạ: các tiên tri giả, chiến tranh loạn lạc, và các thiên tai xảy đến cho mọi người, thì Luca ghi tiếp về việc các tín hữu Chúa sẽ gặp cơn bách hại. Tuy các tín hữu bị bách hại nhưng đó là cơ hội tốt cho sứ mệnh của họ. Đức Giêsu hứa sẽ trợ giúp các môn đệ khi các ông gặp gian nan, khốn khó. Là Kitô hữu, những người theo Chúa Kitô, chúng ta cũng phải can đảm đón nhận thử thách, những khó khăn trong cuộc sống và chấp nhận chịu thiệt thòi vì Ngài bằng những hành động chân thật, không gian dối, không làm điều xấu điều ác.
- Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu báo trước sự bách hại sẽ xảy đến cho các Kitô hữu. Đức Giêsu tiên báo điều này đã ứng nghiệm từng câu chữ trong những thời kỳ bách hại. Biết bao người mang danh Kitô hữu đã phải chịu bắt bớ, ngược đãi, tù đày, tra tấn và bị giết chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Quả thật, từ hai ngàn năm qua, chính vì danh Đức Kitô, các tín hữu bị thù ghét và bách hại. Như vậy, bách hại là số phận của những người mang danh Kitô hữu. Không thể là môn đệ Chúa mà không đi lại con đường chính Ngài đã đi qua. Đức Kitô đã báo trước cho các môn đệ: “Môn đệ không trọng hơn Thầy”, nếu Ngài đã bị bách hại, các môn đệ cũng phải bị bách hại.
- Phúc âm theo thánh Mátthêu đã được viết ra sau cuộc bách hại đầu tiên mà cộng đoàn Giáo hội đầu tiên đã trải qua, như cuộc bách hại và tử đạo của thầy Stêphanô tại Giêrusalem. Các Tông đồ cũng đã từng bị tù rồi chịu chết vì đạo. Phản ứng tự nhiên của con người trước những khó khăn, những bách hại, là lo sợ. Và Đức Giêsu tiếp tục khuyên các Tông đồ hãy can đảm làm chứng cho Ngài. Người môn đệ của Chúa cần sẵn sàng cho mọi nghịch cảnh xảy ra.
- Ngày nay, không còn có những cuộc bách hại đổ máu, nhưng lại có vô số hình thức chối bỏ và chà đạp tự do tôn giáo. Ngày nay, không còn có những cuộc bách hại công khai, nhưng lại có vô số những cuộc tấn công tinh vi hơn nhằm loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người, và các cuộc bách hại ấy dù không làm thân xác con người bị tổn thương, nhưng nhân cách và lương tâm con người ngày càng bị bóp nghẹt và chết dần chết mòn. Ngày nay, không còn có những cái chết đẫm máu, nhưng tử đạo có nghĩa là can đảm đi ngược dòng đời, và khước từ những gì ngược với giá trị của Tin mừng (Mỗi ngày một tin vui).
- Là Kitô hữu, chúng nên loại bỏ ý nghĩ đi theo Đức Kitô để tìm sự dễ dãi, an toàn và vinh quang cho bản thân đời này. Vì ở đời này không có niềm vui và hạnh phúc nào bền bỉ ngoài Thiên Chúa. Nhưng nếu chọn Chúa, chúng ta phải hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi, bị người đời nhạo báng, bắt bớ. Vì thế gian, ma quỷ và xác thịt là một trở ngại lớn cho việc sống theo Tin mừng. Nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi gặp khó khăn vì sống đời chứng nhân, mà hãy vui mừng vì được cộng tác vào việc làm sáng danh Chúa.
- Trong khi bị bách hại, chúng ta hãy can đảm lên vì Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Đó là cơ hội để các con làm chứng cho Thầy”. Như vậy, một lần nữa, Đức Giêsu lại nhắc nhở chúng ta: đừng bận tâm khi nào tận thế, hãy lo sống hiện tại và kiên trì. Đối với chúng ta hôm any, điều quan trọng là trung thành làm chứng cho Chúa, là sống đúng tư cách của một Kitô hữu đích thực, chứ không phải chỉ có tiếng mà không có miếng, không phải hữu danh vô thực, nhất là hãy thể hiện tối đa tình yêu thương đối với nhau, đó là cách làm chứng cho Chúa, cho đạo tốt nhất.
- Truyện: Trên đường hành hương
Một nhà truyền giáo Ấn độ đã kể lại câu chuyện sau đây:
Một hôm trên một quãng đường vắng, ông thấy một người đàn bà nằm phủ phục sát đất. Đây là một cử chỉ khá quen thuộc trong những cuộc hành hương ở Ấn độ.
Sau một lúc người đàn bà đứng dậy đi mấy bước rồi lại phủ phục trên mặt đường. Trên một quãng đường ngắn, người đàn bà đã phủ phục như thế đến bảy, tám lần.
Thấy thế, nhà truyền giáo mới dừng lại gợi truyện. Ông hỏi:
– Bà đi về đâu vậy ?
Người đàn bà giơ tay chỉ về hướng Himalaya và nêu tên của một ngôi đền nổi tiếng ở đó. Theo lời bà giải thích thì tại đây khi sấm chớp nổi lên Thiên Chúa sẽ biểu dương quyền uy của người phía dưới thung lũng.
Như vậy, từ đây cho đến ngôi đền đó người đàn bà phải vừa đi vừa phủ phục như thế trên cả ngàn lần. Khi được hỏi bà làm như vậy với mục đích gì, người đàn bà trả lời ngắn gọn và quả quyết như sau: “Để được thấy Chúa”.
Cử chỉ của người đàn bà Ấn độ trong câu chuyện trên đây có thể gợi lên cho chúng ta hình ảnh của một cuộc chiến đấu.
Được thấy Chúa, người tín đồ Ấn giáo trên đây sẵn sàng chấp nhận một cuộc hành hương gian khổ hầu như quá sức con người. Thế nhưng lòng khao khát thấy Chúa và niềm hy vọng mãnh liệt sẽ được gặp Ngài đã khiến người tín đồ ấy can trường tiến bước và kiên trì phủ phục tới cà ngàn dặm đường như thế thật đáng cho chúng ta nể phục.
Muốn được hưởng vinh quang với Đức Giêsu, chúng ta cũng phải biết can đảm và kiên trì như vậy.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Giáo hội Rôma trong ba thế kỷ đầu bị bách hại dữ dội và chúng tôi đã thực sự xúc động khi đến thăm hang toại đạo ở Rôma. Có tới 500.000 Kitô hữu đã được phúc tử đạo và được an táng trong các hộc mộ ở hang toại đạo… Ở Rôma bây giờ có những hang dài đến nỗi không biết nó đi tới đâu nên người ta phải bít lại, và gần như nó chạy khắp thành phố Rôma, một thành phố Rôma chìm bên dưới lòng đất ở các độ sâu 20m, 40m và sâu nhất là 60m (Theo Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, Máu Đào Tử Đạo – Hiến tế sự sống).
Suy niệm
Ðức Giêsu tiên báo về số phận các môn đệ: Vì Ngài mà các ông sẽ bị bách hại, bị ghét bỏ, ngay trong gia đình, nơi những người thân thuộc. Nhưng đó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy. Ðức Giêsu hứa sẽ trợ giúp các môn đệ khi các ông gặp gian nan khốn khó.
Thật thế, sau này các môn đệ đã sống lời tiên báo của Thầy. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do Thái, các ngài không hề lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác (x. Cv 3-5). Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho mọi người: Trước Hội đồng, Tổng trấn Felix, Festo, và cả vua Herôđê Agrippa…(x. Cv 22-25). Các môn đệ đã lấy cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.
Chúng ta là Kitô hữu, người môn đệ Chúa Kitô, cũng phải can đảm đón nhận những thử thách, những khó khăn trong cuộc sống chấp nhận chịu thiệt thòi khi sống lời Chân lý đối lập với bóng tối, dám can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa. Vì Chúa Kitô dù phải nghèo túng, phải vất vả.
Xin Chúa cho chúng ta có niềm tin luôn mạnh mẽ, sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả hoàn cảnh của cuộc đời.
Ý lực sống
“Máu tử đạo là hạt giống sinh ra người tín hữu”.
(Tertullianô)
Nguồn: tgpsaigon.net