Bài đọc 1 (Is 55,6-9)
Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
6Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp,
kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
7Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với Đức Chúa – và Người sẽ xót thương -,
về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
8Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
– sấm ngôn của Đức Chúa.
9Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
Đáp ca Tv 144,2-3.8-9.17-18 (Đ. c.18a)
Đ. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người.
Xướng: 2Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.3Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Xướng: 8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Xướng: 17Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.18Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Bài đọc 2 (Pl 1,20c-24.27a)
Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
20c Thưa anh em, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết : 21 vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. 22 Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. 23 Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần : 24 nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.
27a Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô.
Tung hô Tin Mừng (x. Cv 16,14b)
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Mt 20,1-16a
Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ : ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?’ 7 Họ đáp : ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý : ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà : 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ : ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Hình ảnh người thợ làm vườn nho vào giờ thứ nhất, ngay từ tảng sáng, đó là những người biệt phái, người theo đạo gốc. Còn những người đến sau là dân ngoại, tân tòng. Chủ mời họ vào sau những người kia, nhưng cũng được trả công như những người trước. Chính vì tình thương của chủ đối với những người thợ đến sau mà chủ bị phản kháng.
Thiên Chúa cũng yêu thương và mời gọi tất cả mọi người vào trong tình yêu của Ngài. Ðiều quan trọng đối với Thiên Chúa không phải là ta làm được nhiều hay ít, nhưng là tình yêu và thiện chí của ta như thế nào đối với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nhân từ và công bằng với hết mọi người. Xin cho chúng con sống trọn niềm tin yêu vào Chúa. Chúa luôn yêu thương và ban tràn đầy ơn lành cho chúng con. Chúa cũng không tính toán và không so đo. Vậy tại sao chúng con lại hay so đo và cứ thích thương lượng kèo nèo với Chúa ? Tại sao chúng con cứ so sánh hoàn cảnh của mình với người anh em để rồi ghen tị, mặc cảm, tức giận… ? Xin cho chúng con ý thức và sống cuộc đời đầy tràn niềm hân hoan, vì tin rằng Chúa luôn yêu thương và nhân hậu với chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
- Phân tích (Hạt giống…)
Dụ ngôn những thợ làm vườn nho. Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:
– Lối suy nghĩ của một số thợ làm nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.
– Lối suy nghĩ của ông chủ: ông trả công vì thương (nhưng không hại đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.
Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người do thái và của Chúa Giêsu:
– Người do thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ họ làm càng nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ càng nhiều.
– Đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.
- Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Lý lẽ của tình thương nhiều khi không song hành với lý lẽ của công bằng. Trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải theo lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng, nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình mà cư xử với con cái theo lý lẽ của công bình thì không biết con cái sẽ ra sao ?
Chúa cũng cư xử với chúng ta như thế. Nếu Chúa xử theo công bình thì không biết chúng ta sẽ ra sao ?
2. Nếu tôi là người thợ làm từ giờ thứ nhất, tôi không nên ganh tị với những người làm từ giờ thứ 11 (những người lương trở lại sau, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại tôi phải nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ.
3. Mỗi khi tôi bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tị với người khác, tôi hãy nghĩ đến câu Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vũng được !”. Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không cư xử theo công bình mà tôi mới có thể đứng vững. Tôi phải xin Chúa giúp tôi cư xử với mọi người hơn lẽ công bình, vươn tới tình thương.
4. Một người do thái nọ qua đời. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng nghĩa y học, và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất. Giữa lúc chuẩn bị hạ huyệt, người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, người ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết sống lại. Thế nhưng vị chủ trì nói với kẻ chết sống lại như sau: “Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.” Nói xong ông truyền đóng nắp quan tài lại và tiếp tục chôn.
Câu chuyện trên đây có lẽ muốn chế diễu tính máy móc, cứng nhắc của nhiều người khi tuân giữ các lề luật tôn giáo cũng như khi cư xử với nhau. (“Mỗi ngày một tin vui”)
5. “Mấy người sau chót làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi, là những người đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12)
Trời quá oi bức, cái quạt bàn trong nhà thờ hôm nay lại trục trặc rồi. Nó vẫn quạt mát nhưng lại đứng lì một chỗ mà không quay xung quanh được.
Một người lên xoay nó về phía mình. Chưa đầy hai phút một người khác chạy lên, và tiếp tục xoay nó. Thế rồi một lúc sau một người khác nữa lại chạy lên. Bây giờ tiếng xầm xì nổi lên và người ta bắt đầu tranh chấp. Bỗng từ phía dưới một người lên tiếng: “Tốt hơn, hãy tắt cái quạt máy đi !” Và họ chỉ yên lặng sau khi quạt máy đã tắt hẳn.
Tôi suy nghĩ và tự hỏi: Tại sao đến với Chúa mà người ta vẫn còn tranh chấp, ganh tị ? Nhưng dường như cuộc sống con người thường như vậy. Khi tính ích kỷ đã lấn át, cái tôi ngự trị, người ta chỉ còn nghĩ đến mình, thu vén mọi lợi ích cho mình mà quên đi nhu cầu của tha nhân.
Lạy Chúa, Tình yêu Chúa vượt qua mọi tính toán, xin cho con có một tình yêu như Ngài, để con không dừng lại ở quyền lợi, nhưng dừng ở chính những con người để biết yêu thương. (Hosanna)
6. “Người thế gian thường hỏi ‘Cho bao nhiêu ?’; còn Đức Kitô thì hỏi ‘Tại sao cho ?” (John Kaleigh Mott)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA
A. DẪN NHẬP
Hôm nay Chúa sẽ nói với chúng ta: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55,8). Đúng vậy, có bao giờ chúng ta ngạc nhiên và sửng sốt bởi cách hàng động của Chúa không ? Những hành động đó không đúng với tính toán và dự liệu của chúng ta, và có khi đi ngược lại các dự tính của chúng ta.
Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác hẳn con người, khác nhau như trời cao đất thấp. Con người thì thấp hèn nhỏ nhen, hay so đo ghen tị, chỉ thích giữ công bằng mà quên đi tình yêu. Còn Thiên Chúa thì khác hẳn, Ngài không thích chúng ta chỉ sống như người làm thuê, tính toán sòng phẳng như kẻ mua người bán, mà chỉ muốn là người Cha yêu thương hằng săn sóc đến con cái, cung cấp cho nó những cái gì cần thiết và tốt đẹp nhất.
Vì thế dụ ngôn những người thợ được thuê vào giờ thứ 11 mà phụng vụ hôm nay đọc lại cho chúng ta sẽ va chạm đến ý niệm của chúng ta về công bằng trong phân phát. Đấy là vì Chúa Kitô đặt công lý của Nước trời trên một bình diện khác hẳn bình diện của chúng ta dưới thế gian, đến độ mà “đường lối và tư tưởng của chúng ta” bị xáo động và sửng sốt.
Chúng ta hãy cố gắng sống với Chúa như người con thảo, muốn làm đẹp lòng Cha yêu thương. Đừng bao giờ sống như người làm thuê trong nhà Cha mà so đo tính toán với Chúa. Hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, đừng kiêu ngạo, đừng phân bì với tha nhân. Hãy sống trong tình anh em con một Cha trên trời.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 55,6-9
Kẻ có tội thường sợ Thiên Chúa trừng phạt nên trốn tránh Ngài. Tiên tri Isaia hối thúc dân Israel từ chốn lưu đày trở về, phải sám hối và hãy tìm đến Chúa. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa bởi vì những dự định và cách hành xử của Ngài không giống với tư tưởng của ta. Ngài không nghĩ đến trừng phạt mà chỉ nghĩ đến cứu vớt, Ngài không bắt tội mà chỉ thứ tha.
Nếu đem so sánh tư tưởng và cách cư xử của loài người và của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra một khoảng cách rất xa, rất cách biệt: “Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cao hơn của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy”.
+ Bài đọc 2: Pl 1,21-24,27
Thánh Phaolô viết thư này ở trong tù vào khoảng năm 63 gửi cho tín hữu Philipphê biết: Ngài không biết số phận của Ngài sẽ ra sao, được tha hay bị kết án, nhưng Ngài sẵn sàng đương đầu với tất cả:
– Nếu được thả tự do, Ngài sẽ tiếp tục rao giảng Tin mừng Đức Giêsu Kitô và Đức Kitô sẽ được vẻ vang.
– Nếu bị giết chết, Ngài sẵn sàng hy sinh vì Chúa, vì cái chết của Ngài cũng làm vẻ vang cho Đức Kitô.
Và Ngài kết luận: Dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang nơi tôi.
+ Bài Tin mừng: Mt 20,1-16a
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này có ý nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngài là người Cha yêu thương và nhân hậu. Cách cư xử của Ngài không giống với lối cư xử của con người.
Dụ ngôn này gợi cho ta hai cách suy nghĩ:
a) Suy nghĩ của loài người: theo cách cư xử thông thường thì người thợ làm nhiều sẽ được lãnh nhiều, người làm ít sẽ lãnh lương ít. Như thế mới công bằng và hợp lý.
b) Suy nghĩ của Thiên Chúa: ông chủ vẫn trả lương cho người làm nhiều giờ như đã hợp đồng. Nhưng ở đây, ông chủ có lòng quảng đại, muốn trả cho người thợ làm có một giờ cũng được lãnh một quan tiền mà không có hợp đồng, hoàn toàn do lòng tốt của ông chủ. Như vậy, người làm thợ giờ cuối cùng được ông chủ thương cách riêng, không có lỗi đức công bằng.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tất cả là hồng ân
I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN
1. Tình trạng thất nghiệp
Mọi người phải có công ăn việc làm để nuôi sống mình và gia đình. Ai cũng phải có một việc làm hoặc bằng chân tay hoặc bằng trí óc. Không có việc làm là thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo quốc gia, vì phải tìm cách tạo công ăn việc làm cho dân. Ngày nay, những người thất nghiệp được nhận vào làm việc trong các nhà máy là một niềm vui và hy vọng. Ngày xưa cũng không thiếu gì người thất nghiệp cả ngày ngồi ở chợ, chờ đợi mà không có chủ thuê, nếu được gọi vào làm công cho người ta thì là một sự may mắn.
2. Cách thuê thợ ở Palestine
Ở Palestine, mùa hái nho chín vào đầu tháng 10, sau đó là mùa mưa. Nếu không hái nho kịp trước khi mưa đến thì nho sẽ hư, vì vậy người ta phải chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch. Bất cứ người làm công nào cũng được thu nhận dù người đó chỉ làm được một giờ.
Tiền công trả cũng bình thường, một denier (một quan tiền) là tiền công của một ngày bình thường của một người làm mướn. Những người đứng ở chợ không phải là những người biếng nhác ở đầu đường xó chợ, hạng ăn không ngồi rồi. Ở Palestine, chợ là nơi trao đổi lao động. Người ta đến đó vào sáng sớm, mang theo dụng cụ lao động của mình, và chờ ở đó cho đến khi có người đến mướn. Họ ở đó chờ công việc, bằng chứng là trong số họ có người chờ đến 5 giờ chiều, chứng tỏ họ muốn làm việc như thế nào.
Thời giờ trong dụ ngôn cũng là thời giờ bình thường của người Do thái. Giờ của người Do thái bắt đầu từ 6 giờ sáng và được tính từ đó đến 6 giờ chiều. Tính từ 6 giờ sáng thì giờ thứ 3 là 9 giờ sáng, giờ thứ 6 là 12 giờ trưa, và giờ thứ 11 là 5 giờ chiều.
3. Ý nghĩa dụ ngôn
Để hiểu dụ ngôn này, chúng ta phải chú ý tới tâm trạng của người Do thái lúc bấy giờ. Họ quan niệm rằng: Nước trời chỉ dành cho họ những con cái Abraham, còn người ngoại bang, dân ngoại bị loại trừ hoàn toàn. Người Do thái chiếm được Nước trời là vì sự trung thành của họ đối với Lề luật Maisen, được thể diện ở giao ước Sinai giữa Israel và Giavê. Để đả phá quan niệm sai lầm này, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn “Thợ vườn nho” đây, vì Nước trời không phải là món tiền lương, hay một đặc ân, nhưng là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại.
Dụ ngôn này là lời cảnh cáo đối với người Do thái. Người Do thái biết họ là dân được chọn, và không bao giờ quên được sự tuyển trạch đó. Kết quả là họ khinh người ngoại bang, chỉ muốn cho người ngoại bang bị huỷ diệt. Thái độ này có nguy cơ được đem vào Hội thánh Chúa. Nếu người ngoại bang được cho vào thân hữu của Hội thánh thì phải vào như những kẻ thấp kém hơn.
Trong đạo Chúa không có quan niệm ưu đãi một dân tộc nào. Chính những người tin Chúa lâu năm có thể học hỏi được nhiều nơi những người tân tòng, những người mới bước vào cộng đồng đức tin.
Ông chủ trong Tin mừng hôm nay thật là siêu việt, ông đã thực thi và đề ra chính sách công bằng, bác ái vượt thời gian và không gian. Ông chủ đó chính là Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Đấng cứu thế đã đặt ra giải pháp cứu con người và truyền dạy con người phải biết sống công bằng và bác ái, như thế mới mong xây dựng được một xã hội tuyệt hảo.
Thế nhưng, con người từ bao nhiêu ngàn năm vẫn đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau. “Họ lẩm bẩm kêu trách chủ rằng: bọn sau chỉ làm một giờ mà ông trả bằng chúng tôi sao ?” Ông buộc lòng phải sửa trị thói ghen tị đó bằng cách vạch ra cho họ thấy lòng bác ái cao cả của ông: “Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao ? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư ?”
II. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA
1. Tư tưởng của Chúa và của ta
Loài người chúng ta suy nghĩ giống như một người buôn bán: món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào ? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai ?
Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong đối xử với người khác, mà còn cho cả Thiên Chúa nữa: tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng.
Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha, yêu thương chúng ta là con. Ngài chỉ có yêu thương và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Đối với từng đứa con, Ngài không xem xét nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất.
Khi lẩm bẩm trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên lối suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông chủ đừng làm người cha yêu thương, mà hãy làm người buôn bán vô tình (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 478).
2. Hai bài học cho ta
a) Bài học thứ nhất: Như đã nói: mọi công việc đối với Chúa đều bằng nhau, vấn đề không phải ở số lượng công việc nhưng ở tình yêu thúc đẩy làm công việc đó. Một người có thể tặng chúng ta một món quà cả trăm ngàn, chúng ta rất biết ơn người đó. Một em bé có thể tặng chúng ta một món quà chỉ đáng giá vài ngàn, nhưng đó là món quà dành dụm đầy nỗ lực và yêu thương của nó, dù món quà nhỏ không giá trị bao nhiêu, nhưng nó khiến chúng ta cảm động nhiều hơn. Thiên Chúa không nhìn vào số lượng công việc của chúng ta. Bao lâu ta còn làm, công việc đều được xếp như nhau trước mặt Chúa.
b) Bài học thứ hai: Đó là tất cả mọi sự Chúa ban cho ta đều là ân sủng của Ngài. Chúng ta không thể làm ra những điều Chúa ban cho, chúng ta không xứng đáng với điều đó. Thiên Chúa cho chúng ta là do bởi lòng tốt của Ngài, bởi ân sủng Ngài. Tất cả những gì Chúa ban cho không phải là để trả công nhưng là quà tặng, đó không phải là phần thưởng nhưng là ân sủng.
3. Thái độ chúng ta phải có
Chúng ta phải chấp nhận như một người con khiêm nhường những hành động của Chúa, vì chúng ta biết rằng: động cơ duy nhất thúc đẩy người ta trong sự lựa chọn là tình yêu. Chúng ta hãy khôn ngoan chấp nhận những quyết định của Người với sự mau mắn và biết ơn.
Chúng ta phải hành động như Chúa đối với tha nhân: không ganh tị, không nghiêm khắc, không phán xét xấu, không lên án chung thẩm, nhưng phải thông cảm, ưu ái với “một nụ cười của tâm hồn”.
Muốn nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến Bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ vì như thế chúng ta còn đang sống theo tinh thần Cựu ước, vì Cựu ước chưa được hoàn hảo… Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc cho chúng ta là phải chú trọng đến tình yêu đối với Chúa và với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng bao giờ phân bì với nhau, mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.
Truyện: Cha Sở và Cha Phó
Tại một xứ đạo kia số giáo dân khá đông, có Cha Sở, Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc với nhau. Một nhóm quí Cha Sở, nhóm kia mến Cha Phó, vì ngài còn trẻ, năng nổ.
Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài:
– Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dầy, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình – bỏ đi công lao cha xây dựng ? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.
Cha Sở bình tĩnh trả lời:
– Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn ?
– Cha Phó.
Cha Sở chậm rãi nói tiếp:
– Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp Ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi – một người đáng lẽ đã về hưu ?
Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế:
– Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn Cha Phó bây giờ.
Cha Sở nói tiếp:
– Và tôi cũng đã từng được người ta quí mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.
Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, năm A, tr 175-177).
Chúng ta hãy nhớ: ghen tị là một trong bảy mối tội đầu. Kẻ ghen tị là người không muốn ai hơn mình, mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn sầu, tức bực và oán ghét với những thành công của người khác.
Người ta ghen tị về đủ mọi mặt: của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức. Người ta ghen tị nhau, vì không lượng đúng giá trị những gì mình có, không thoả mãn với hiện trạng của mình, không nhận ra vị thế của mình, lúc nào cũng thấy núi khác cao hơn.
Người ta ghen tị nhau vì kiêu ngạo, vì ích kỷ, không muốn ai thành công hơn mình, đạo đức hơn mình, phục vụ hơn mình. Càng liên hệ thân thiết với nhau người ta càng ghen tị nhau. Thường thường những người ở trong một hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng một tình thân như bạn bè mới ghen tị nhau, chẳng hạn chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt hàng cá… ghen tị nhau.
Bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay nhắc cho chúng ta hai điều:
1. Chúng ta phải luôn luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không có gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban. Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Ta hãy nói như thánh Phaolô: “Tất cả là hồng ân”.
2. Mỗi người hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu.
“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn, vì muôn ơn phúc Chúa đã tặng ban cho chúng con suốt cả cuộc đời.
“Xin giúp chúng con lánh xa lối suy nghĩ do lòng ghen tị, và biết cố gắng làm cho trổ hoa kết trái ân phúc Chúa đã ban cho mỗi người, để Chúa được vinh danh, anh em được an bình và hạnh phúc”.
Ta hãy có tâm tình như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng:
Khi hoàn tất việc phải làm
Nâng lòng lên Chúa mà than thở rằng:
Này con vô dụng muôn phần,
Phần con, con đã thi hành mà thôi (Mt 5,16)
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Mt 20,1-16a
CÔNG BẰNG VÀ TỐT LÀNH
Khi đọc Kinh Thánh, đôi khi chúng ta thấy
Chúa là Đấng công bằng, thưởng phạt rạch ròi.
Ngài giống như vị quan tòa, nghiêm minh khi xét xử.
Trong chương 25 của Tin Mừng Mát-thêu ta thấy
Ngài đóng cửa không cho năm cô trinh nữ dại khờ vào dự tiệc,
vì họ đi mua dầu để thắp đèn nên về trễ;
Ngài quẳng tên đầy tớ lười nhác vào chỗ tối tăm
vì anh ta không đầu tư mà lại chôn giấu yến bạc dưới đất;
Ngài tống vào lửa đời đời để chịu cực hình muôn kiếp
những ai đã không giúp đỡ các anh em bé nhỏ nhất của Ngài.
Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
Thiên Chúa không chỉ là Đấng công bằng (dikaios, Mt 20,5.13)
mà còn là Đấng tốt lành (agathos, Mt 20,15).
Ngài là ông chủ vườn nho, ra chợ một ngày năm lần,
đích thân tìm thợ và đưa họ về làm việc,
hứa trả lương công nhật đúng theo tiêu chuẩn đã định.
Lòng tốt của ông chủ biểu lộ khi ông thấy những người thợ
cứ đứng chờ ngoài chợ vì không có ai mướn.
Vẫn luôn luôn có những người đứng chờ như thế cả ngày:
lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, rồi lúc 3 giờ và 5 giờ chiều.
Lần nào ra chợ ông chủ đều gặp họ.
Lần nào gặp họ ông chủ đều mời họ đi làm cho mình (Mt 20,5).
Khi chỉ còn một tiếng nữa là hết ngày lao động,
ông chủ vẫn tiếp tục ra chợ, vẫn thấy những người đứng chờ.
Ông trò chuyện, hỏi thăm lý do khiến họ cứ đứng không như vậy.
Khi biết chẳng ai mướn họ, ông chủ liền kêu họ làm cho mình.
Những người được mướn vào lúc 5 giờ chiều chắc vui lắm,
vì ít ra họ cũng kiếm được chút đỉnh để nuôi vợ con.
Niềm vui của nhóm thợ cuối cùng được nhân lên gấp bội
khi họ là những người đầu tiên được lãnh lương,
và đã được trả lương cả ngày, dù chỉ làm có một tiếng.
Niềm vui của nhóm thợ lúc 5 giờ chiều
lại gây sự hụt hẫng cho nhóm thợ làm từ 6 giờ sáng,
vì cuối cùng, họ cũng chỉ nhận được một quan.
Họ cằn nhằn về lối cư xử bất công của ông chủ:
một người làm vất vả nắng nôi cả ngày
được trả lương bằng một người khác làm có một tiếng.
Ông chủ gọi họ là “bạn,” và cho biết mình không bất công
vì đã trả cho họ theo như hai bên đã “thỏa thuận” (Mt 20,2.13).
Ông còn khẳng định ông có quyền làm điều mình muốn.
Ông có quyền cho những người cuối như những người đầu.
Ông có quyền sử dụng những gì ông có theo lòng tốt của ông.
Lòng tốt ấy vượt lên trên công bằng, nhưng không phải là bất công.
Không ai được phép ganh tỵ vì thấy ông quảng đại.
Thiên Chúa không chỉ công bằng mà còn tốt lành, vì Ngài có trái tim.
Ngài thương những người đứng chờ cả đời,
những người tìm kiếm mà chưa bao giờ gặp,
những người liên tục gặp thất bại và vấp ngã trong đời.
Ngài thương những người đến sau, đến chậm hơn người khác,
và Ngài thi ân cho sự chờ đợi, tìm kiếm tưởng như vô ích của họ.
Trên thiên đàng có nhiều người thợ vào giờ thứ 11, tức 5 giờ chiều,
có nhiều anh trộm lành được cứu độ vào giờ phút chót.
Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngỡ ngàng vì những món quà bất ngờ.
Ngài không chỉ công bằng mà còn tốt lành, vì Ngài có trái tim.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa,
việc tông đồ của con phải là việc diễn tả lòng tốt.
Để khi thấy con, người ta phải nói:
“Vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”
Và nếu có ai hỏi con, tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,
con sẽ trả lời, vì con là tôi tớ của một Đấng tốt hơn con nhiều.
“Ước chi bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”
Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói:
“Nếu tôi tớ mà tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt biết chừng nào!”
(Chân phước Charles Foucauld)
5. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Vườn nho là hình ảnh thân thương đối với dân Do Thái. Chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của cả Cựu ước, thường được liên kết với chủ đề tình yêu và vườn nho trở nên biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16).
Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn” rất ân cần chu đáo qua nhân vật chủ vườn nho: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Người chủ quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (Is 5,4). Với sự chăm sóc ân cần cho vườn nho – dân tuyển chọn của Thiên Chúa, người chủ vườn mong những cây nho thân yêu của mình sinh ra những trái nho ngon ngọt…
Suy niệm
Theo ý nghĩa của Kinh Thánh, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào như Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy đi vào vườn nho của tôi… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25,21-23).
Chúa Giêsu là ông chủ vườn nho, Ngài gọi mọi người đi làm vườn nho cho Ngài vào giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một. Người Do Thái khi xưa chia một ngày ra tám phần, bốn phần cho ban đêm gọi là canh, và bốn phần cho ban ngày gọi là giờ – giờ thứ nhất, giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín. Với thời gian hôm nay giờ thứ nhất bắt đầu vào rạng đông tức khoảng 6 giờ sáng, giờ thứ ba tương ứng với 9 giờ, giờ thứ sáu là 12 giờ trưa, giờ thứ chín tức 15 giờ và giờ thứ mười một tương đương lúc 17 giờ và ngày làm việc chấm dứt lúc giờ thứ mười hai tức là 18 giờ.
Giờ thứ mười hai là giờ chủ trả công cho mọi người một đồng, một đồng là một số lương với giá trị tối thiểu cho một gia đình sống qua ngày. Chờ đến giờ thứ mười một là những người rất khao khát và cần làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Tất cả đều được trả công một đồng. Người làm sớm cằn nhằn, lẩm bẩm vì ông chủ trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng cũng được một đồng. Bản văn Hy Lạp dùng một chữ có nghĩa chính xác: “Họ lẩm bẩm”. Đó là từ ngữ trong Kinh Thánh nói về những tiếng lẩm bẩm, cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (x. Xh 16,9; Tv l06,25). Những kẻ lẩm bẩm, cằn nhằn ấy trong Tân ước thường thấy nơi các kinh sư và biệt phái, họ không ngừng lẩm bẩm chống lại Đức Giêsu khi Người tiếp đón những “kẻ thu thuế, kẻ tội lỗi và gái điếm” (x. Mt 9,11; Mc 2,16).
Qua dụ ngôn “làm vườn nho”, Đức Giêsu mời chúng ta thay đổi cái nhìn về Thiên Chúa. Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ. Ngài còn là Thiên Chúa của tình yêu (x. 1Ga 4,16), Thiên Chúa của người trộm lành (x. Lc 23,41-43). Qua đó chứng thực sấm ngôn của Isaia: Tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người (x. Is 55,8-9). Cách cư xử của nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Ngài không trọng sang khinh hèn, nhưng yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Ngài không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người.
Phần chúng ta, theo Chúa không cần một sự thỏa thuận được thua hơn kém, theo Chúa là vào làm việc cho vườn nho của Ngài là tin tưởng vào sự công bình và quảng đại của chủ vườn nho. Tình thương của Thiên Chúa khiến chúng ta nhớ đến người trộm lành trên đồi Canvê là người được gọi làm vườn nho vào giờ thứ mười một của nước Thiên Chúa, anh chỉ tín thác “khi về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, trong khi đó bạn anh lên tiếng trước “…” đòi hỏi thỏa thuận “nếu … thì” (x. Lc 23,39-43).
Ước gì con sẽ “không lẩm bẩm” với Chúa, con cũng chẳng “hãnh diện so sánh hơn thiệt” với anh em. Đi vào vườn nho Giáo hội, con không đặt điều kiện đòi hỏi nơi Ngài mình sẽ được gì, nhưng luôn tin và tín thác vào Ngài và cố gắng làm vườn nho.
Ý lực sống
“Người ta được nên công chính vì tin…” (Rm 3,30).