Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.
Bài đọc 1: Is 58,7-10
Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
7 Đây là lời Đức Chúa phán :
“Ngươi hãy chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?
8Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.
9Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại : ‘Có Ta đây !’
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở
gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,
10nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.”
Đáp ca: Tv 111,4-5.6-8a.9 (Đ. c.4a)
Đ.Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành.
4Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành :
đó là người từ bi nhân hậu và công chính.5Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,
biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.
Đ.Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành.
6Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,
thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.7Họ không lo phải nghe tin dữ,
hằng an tâm và tin cậy Chúa,8aluôn vững lòng không sợ hãi chi.
Đ.Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành.
9Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc,
đức công chính của họ tồn tại muôn đời,
uy thế họ vươn cao rực rỡ.
Đ.Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành.
Bài đọc 2: 1 Cr 2,1-5
Tôi đã loan báo cho anh em mầu nhiệm Đức Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
1 Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. 2 Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. 3 Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. 4 Tôi nói, tôi giảng, mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. 5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.
Tin mừng: Mt 5,13-16
13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Muối và ánh sáng là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống. Muối mặn giúp đồ ăn có ý vị và không bị hư thối. Ánh sáng cần thiết để chiêm ngắm, để làm việc và tránh được những tai họa. Chúa Giêsu ví người môn đệ của Ngài như muối và ánh sáng. Ðức Giêsu muốn các môn đệ ở giữa đời phải giúp cho cuộc đời có ý nghĩa. Vì thế, nếu muối không còn mặn, đèn không còn sáng, thì còn gì vô dụng bằng?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang hiện diện trong mỗi người chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết gìn giữ cho đèn chúng con luôn sáng, muối chúng con luôn mặn. Sự hiện diện của chúng con ở đâu phải gây được một tác động làm đẹp cho đời. Ðời chỉ đẹp khi biết hướng về nguồn Thiện Mỹ Tối Cao. Xin Chúa luôn ở trong chúng con và ở trong cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ: “Các con là sự Sáng thế gian”.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ.)
Câu chuyện
Mahatma Gandhi (1869 – 1948), nhà ái quốc và được tôn vinh là vị cha già dân tộc Ấn Độ, cũng là vị thánh của những người Ấn giáo, đã đấu tranh giành lại độc lập và tự do cho Ấn Độ bằng đường lối ôn hòa bất bạo động.
Một hôm người ta hỏi ông rằng: “Trước thảm họa nguyên tử, ngài sẽ làm gì ?”
Ganhdi trả lời: “Tôi sẽ cầu nguyện”.
Gandhi là người rất yêu mến giáo huấn của Chúa Kitô, nhưng khi được hỏi thêm: “Vì sao ngài không theo đạo Công giáo ?”
Ông trả lời: “Phúc Âm của Chúa thì rất tốt lành, nhưng người công giáo đã không sống Phúc Âm, nên không hơn gì chúng tôi”.
Sau đó ông còn nói thêm: “Nếu tôi đã hân hạnh gặp được một người nào là Kitô hữu chân thực, có lẽ tôi đã trở nên một người Kitô hữu ngay lập tức”.
Chính vì không sống đúng tư cách người môn đệ Chúa Kitô, người tín hữu đã làm che mờ Chúa Kitô nên Gandhi đã không đến với Đạo Kitô. Câu trả lời của Gandhi làm cho chúng ta cảnh tỉnh nhớ lại Lời Chúa nói trong Tin Mừng Mt 5,13-16: “Các con là muối ướp đời, là ánh sáng cho trần gian”.
Suy niệm
Người môn đệ trở nên như muối, là muối thì luôn có vị, muối không được lạt đi! Tác giả Cl. Tassin chú giải: “Các môn đệ đem hương vị cho đời và bảo đảm sự sống còn của thế gian trước mặt Thiên Chúa. Nhưng nếu họ không đảm đương được công việc này và đánh mất tinh thần các mối phúc, họ sẽ chẳng còn giá trị gì và Thiên Chúa sẽ từ bỏ họ” (Theo Tin Mừng thánh Mátthêu, Centurion, 1991, tr.62). Không chỉ trở nên vị mặn và hữu dụng như tính chất của muối, người môn đồ phải trở nên ánh sáng của nhân loại (x.Pl 2,15; so sánh với Ep 5,8-14), là tham dự vào sự sáng của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là ánh sáng của thế gian” (Lc 2,32; Ga 8,12; 12,35). Nguồn ánh sáng cứu độ như Thánh Vịnh đã tuyên xưng: “Đức Chúa là ánh sáng và là sự cứu chuộc của tôi” (Tv 27,1).
Ánh sáng cũng được sử dụng như là một biểu tượng trong Kinh Thánh, thường chỉ sự mặc khải cứu độ của Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia đã loan báo, người Tôi tớ Giavê được công bố là “ánh sáng muôn dân” (Is 49,6); và Israel cũng phải là ánh sáng cho dân ngoại (x. Is 42,6).
Giáo lý Công giáo số 1216 xác định: Trong phép Rửa tội, người được rửa tội nhận lấy Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực soi sáng mọi người”, và “sau khi được soi sáng như thế”, họ trở nên “con của sự sáng” và chính bản thân họ là “ánh sáng”. Cho nên, thánh Phaolô mời gọi mỗi chúng ta: “Anh em phải chiếu sáng, như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Chúng ta đều được mời gọi nên như muối và ánh sáng:
Phaolô cũng đồng hóa “muối” với “sự khôn ngoan” và ngài mời gọi chúng ta trong từng lời ăn tiếng nói phải mang vị mặn mà của muối: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4,5-6).
Trong ý nghĩa đó, mỗi hành động của chúng ta cũng phải mang hương vị mặn mà của tình yêu đậm đà sẵn sàng chia sẻ với anh chị em mình. Mỗi khi dấn thân, tham gia gánh vác công việc trong xã hội, Giáo hội cũng phải chan chứa vị mặn muối của trách nhiệm công vụ vì anh chị em.
Khi mang lời mặn mà dễ thương, hành động thắm nồng tình yêu, tinh thần trách nhiệm, người Kitô hữu đã trở nên ánh sáng như Công đồng Vaticanô II đã chỉ rõ: “…Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa”, vì Chúa phán: “Sự sáng của các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).
Tuy nhiên, khi chúng ta đi vào sống ở giữa và trong thế gian, dưới sự ảnh hưởng của các thế lực bóng tối, hương vị của muối trong chúng ta có thể trở nên nhạt, đèn của chúng ta có thể bị hết dầu nên lụi tàn ánh sáng. Để tìm lại được hương vị mặn và dầu cho đèn sáng, cần được ướp lại bằng vị mặn của Đức Giêsu, ngọn đèn cần được nuôi bằng dầu tình yêu của Ngài qua các bí tích đặc biệt là bí tích Hòa Giải: Được tha thứ, chữa lành và thêm sức mạnh và bí tích Thánh Thể để được kết hiệp với Chúa Giêsu bằng sức sống thánh và tình yêu dâng hiến.
Từng bước đi và sống trong dương gian xin cho chúng con luôn tâm niệm như Chúa mời gọi là muối là ánh sáng.
Ý lực sống
Chọn con là đèn
soi giữa thế trần.
Làm muối mặn mà
ướp đời dương gian…
Nguồn: TGP Sài Gòn